(TBKTSG Online) – Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Thị Hải Chuyền sáng nay 19-11, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng hỏi: “Người lao động, khi lãnh lương coi như đã đóng xong bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của doanh nghiệp, tại sao Bộ lại bắt người lao động làm con tin?”
Nói về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu Tùng (TPHCM) thắc mắc: “Mọi công dân, người lao động đều bình đẳng trước pháp luật, vậy tại sao dự thảo có những quy định ưu tiên người lao động làm việc cho khối cơ quan doanh nghiệp Nhà nước hơn là làm việc cho tư nhân?”
Nhìn lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ông Tùng nói: “Sẵn đây tôi kiến nghị luôn: dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cần được sửa lại theo hướng tôn trọng quyền bình đẳng của người lao động”.
Rồi ông Tùng chuyển sang vấn đề gai góc hơn khi hỏi Bộ trưởng Chuyền: “Ngành lao động thương binh và xã hội có dự định tìm hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma, Trường Sa, trong con tàu 604 hay không?”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được thông qua tại kỳ họp này. “Vấn đề đại biểu Tùng nêu ra về quyền bình đẳng của lao động làm việc trong khu vực Nhà nước và tư nhân sẽ được đưa ra để Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Hùng nói. Một số vấn đề đại biểu Tùng hỏi sẽ được Bộ trưởng Chuyền trả lời trong phần cuối của phiên chất vấn.
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Tuấn Dương về thực trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hàng ngàn tỉ đồng, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp (trốn nợ). Để giải quyết vấn đề này, bộ trưởng nói đã đề xuất trao quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm (dự thảo luật); nâng mức phạt chậm đóng bảo hiểm; yêu cầu doanh nghiệp phải công khai tiền bảo hiểm xã hội để người lao động biết; và doanh nghiệp vi phạm sẽ chuyển cho cơ quan điều tra.
Vấn đề đào tạo nghề cho nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu, đào tạo nghề không sát với nhu cầu thực tế… theo bộ trưởng “có nhiều nguyên nhân”, như: Tâm lý của thanh niên nông thôn… không thích; cách tổ chức dạy nghề còn có khiếm khuyết, dạy nghề mà không nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp… “Thời gian tới bộ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục đào tạo để giải quyết vấn đề này tốt hơn”, bộ trưởng nói.
Về dạy nghề cho lao động nông thôn, có sự tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Theo ông Phát, theo kế hoạch đến năm 2015 sẽ đào tạo nghề cho 4,7 triệu nông dân nhưng đến nay mới đào tạo được hơn 1 triệu nông dân.
Bộ trưởng Phát cho biết đã ban hành 132 chương trình giáo trình của 132 nghề (liên tục cập nhật chương trình); đang nâng cấp các cơ sở đào tạo; hoàn thiện công tác đào tạo. “Tới đây, công tác đào tạo sẽ theo hướng… đi cùng ngư dân xuống tàu đánh bắt cá ngừ chứ không chỉ là lý thuyết”, Bộ trưởng Phát nói.
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng bức xúc về chuyện lao động nước ngoài không phép: “Hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không có việc làm trong khi lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam chúng ta chưa kiểm soát được? Bộ quản lý lao động nước ngoài không phép như thế nào?”
Theo Bộ trưởng Chuyền, hiện cả nước có 78.000 lao động nước ngoài và phần lớn là có giấy phép. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận lao động nước ngoài, chủ yếu là lao động Trung Quốc, sang Việt Nam bằng đường du lịch rồi làm việc trái phép tại các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thi công. Bộ trưởng Chuyền hứa: “Tới đây bộ sẽ phối hợp với ngành công an để kiểm tra, trục xuất”.
30% lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc bỏ trốn
Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, cũng có vấn đề. Đại biểu Phương hỏi: “Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm như thế nào đối với hiện tượng người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc vi phạm hợp đồng, bỏ trốn?”
Bộ trưởng Chuyền cho biết xuất khẩu lao động năm nay trên 100.000 người và số lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ở thị trường Hàn Quốc hiện nay là trên 30%. “Chúng tôi đã làm việc với các địa phương có người đi lao động nước ngoài; yêu cầu người lao động ký quỹ; tăng hình phạt khi vi phạm và cả biện pháp cử đại diện của bộ sang Hàn Quốc vận động lao động để cải thiện tình hình”, Bộ trưởng Chuyền nói.
Về giải pháp xử lý trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Chuyền, bộ này đã và đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý. Ngoài ra, bộ trưởng cũng cho biết đã công khai danh sách các doanh nghiệp được xuất khẩu lao động trên cổng thông tin của bộ để người lao động biết và phòng tránh.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo thesaigontimes.vn)