Chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện BHXH, BH thất nghiệp

Ngày 22/9/2017, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 4184/BHXH-CSXH gửi BHXH các tỉnh, thành phố yêu cầu chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện BHXH, BH thất nghiệp.

Thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, toàn ngành BHXH đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tổ chức thực hiện một cách hiệu quả chính sách BHXH, tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, đảm bảo quyền lợi của NLĐ theo quy định của pháp luật, được người dân và DN ghi nhận. Tuy nhiên, trong thời gian qua, còn xảy ra tình trạng giải quyết chưa đúng, quá thẩm quyền dẫn đến khiếu nại, nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm…

Để khắc phục tình trạng này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời chấn chỉnh từ khâu tiếp nhận hồ sơ, thu, cấp sổ- thẻ, giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp; tổ chức chi trả và quản lý đối tượng hưởng BHXH, BH thất nghiệp thuận lợi, kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người hưởng theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp thu, cấp sổ không đúng đối tượng, không đúng thời gian, giả mạo hồ sơ để hưởng BHXH thì phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Rà soát các trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng kéo dài chưa giải quyết dứt điểm để tổng hợp, báo cáo về BHXH Việt Nam trước ngày 30/9/2017 (thông qua Ban Thực hiện chính sách BHXH) kèm theo bản sao hồ sơ, đề xuất hướng giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp khiếu nại kéo dài vượt quá thẩm quyền giải quyết của BHXH tỉnh, thì Giám đốc BHXH tỉnh chủ động xin ý kiến Sở LĐ-TB&XH để xử lý; nếu vượt quá thẩm quyền thì tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH giải quyết.

Trường hợp giải quyết không đúng quy định do lỗi của cơ quan BHXH trong tổ chức thực hiện, thì chỉ đạo khắc phục ngay tại khâu xảy ra sai sót để giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thực hiện.

Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 1/1/1995, thì hướng dẫn cơ quan quản lý NLĐ giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo bộ, ngành chủ quản ở trung ương hoặc UBND tỉnh xác nhận và có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH xem xét, quyết định (quy định tại Khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ). Không để xảy ra tình trạng tùy tiện cấp sổ BHXH, cộng nối thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 hoặc điều chỉnh chức vụ, chức danh nghề, tiền lương không đúng quy định.

Tổng Giám đốc cũng yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng pháp lý đối với đội ngũ viên chức thực hiện chính sách BHXH, thanh tra, kiểm tra; kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ viên chức thực hiện chính sách BHXH, tiếp nhận hồ sơ đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ; xử lý nghiêm những cá nhân thực hiện không đúng quy định gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ngành.

Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ rà soát các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Trường hợp phát hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện thì tổng hợp báo cáo về BHXH Việt Nam (thông qua Vụ Pháp chế) để xem xét, khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Kể từ ngày ban hành văn bản này, nếu vẫn để xảy ra tình trạng nêu trên, thì Giám đốc BHXH tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc với tư cách là người đứng đầu tổ chức trên địa bàn.

theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.