Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 202/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.
Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã có nhiều cố gắng, tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định chính trị – xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, còn tồn đọng nhiều vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Gần đây có tình trạng công dân tập trung dài ngày ở các cơ quan Trung ương và đến khu vực nhà riêng các đồng chí lãnh đạo khiếu kiện, gây áp lực yêu cầu giải quyết, căng khẩu hiệu, biểu ngữ trên đường phố, gây mất trật tự công cộng; có hành vi chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật. Nội dung các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm trên 70%), trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống…
Xử lý triệt để sai phạm quản lý đất đai
Để hạn chế tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan phải chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thủ trưởng các cơ quan hành chính phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, kiên quyết xử lý vi phạm và thông báo công khai trước nhân dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng phát triển đô thị; chấn chỉnh xử lý triệt để những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đánh giá đầy đủ, sát thực tế việc thi hành Luật đất đai, nhất là các bất cập là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… để giải quyết căn cơ các vấn đề là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có đất bị thu hồi.
Bộ Công Thương nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống.
Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích công dân khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính ra Tòa án nhân dân; yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan hành chính, công chức khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải thực hiện nghiêm túc Luật tố tụng hành chính, tham gia phiên tòa, tranh tụng, đối thoại, thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định.
Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất. Khi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, trực tiếp đối thoại với người dân, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự. Khi người dân địa phương tập trung khiếu kiện đông người đến các cơ quan Trung ương, yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, phân công người có đủ thẩm quyền phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để tiếp dân, vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân về địa phương giải quyết, không để công dân khiếu kiện dài ngày ở các cơ quan Trung ương, nhất là vào thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Trường hợp người dân không về địa phương, yêu cầu Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực tiếp về Hà Nội đối thoại, đưa dân về địa phương giải quyết.
Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lập Kế hoạch giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch giải quyết phải xác định rõ trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; xác định lộ trình, thời gian giải quyết từng vụ việc cụ thể; coi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền và của người có thẩm quyền và trách nhiệm.
Việc giải quyết phải trên cơ sở chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và giải quyết dứt điểm được vụ việc. Trong quá trình giải quyết phải xác định nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo; nguyên nhân người khiếu nại chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất của vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, làm rõ những nội dung có ý kiến khác nhau, trao đổi, thống nhất, tạo đồng thuận về hướng giải quyết vụ việc. Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa chữa, tìm biện pháp để giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết đúng, có lý, có tình thì cần có các biện pháp giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành, công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, nơi người khiếu nại cư trú và thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết. Nếu người khiếu nại có hoàn cảnh thực sự khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, truyền thông về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để người dân hiểu đúng bản chất vụ việc, biện pháp giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Việc đưa tin phải khách quan, trung thực, không đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất vụ việc khiếu nại, tố cáo gây tác động tiêu cực tới dư luận, để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động.
Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể chính trị – xã hội tích cực phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam huy động đội ngũ luật sư tích cực tham gia tư vấn pháp luật cho người dân; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh, xử lý kịp thời một số luật sư có hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Theo baohiemxahoi.gov.vn