Cần ưu đãi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Trường Đại học Tài chính – Marketing tổ chức ngày 28/11.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tập trung vào một số nội dung: Chính sách tài chính đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn (chính sách về đất đai, chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm…)’ Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Phân tích thực trạng và nguồn lực tài chính để phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay tại Việt Nam; Đầu tư phát triển nông thôn mới: thực trạng và những vấn đề đặt ra; Kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn; Kiến nghị đề xuất đổi mới chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn.

   
  Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vực nông nghiệp (ảnh minh họa)  

Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Trưởng ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng nông – lâm – ngư nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng chậm lại. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp…

Do vậy, trong thời gian tới, chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn cần tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách bảo vệ đất trồng lúa, chính sách thu mua tạm trữ, chính sách tín dụng. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vực nông nghiệp, nông thôn.

Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng về chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, đối tượng cung ứng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng được mở rộng, không còn bị bó hẹp cho vay bởi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mà còn có các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, song song với các chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN, các tổ chức tín dụng cần mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng nông dân…

Bên cạnh đó, một chính sách cũng rất quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn đó là bảo hiểm vi mô. Ông Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất kinh doanh và chịu nhiều rủi ro. Người dân nông thôn thường có thu nhập thấp, khả năng chống đỡ với rủi ro trong sản xuất và đời sống thấp. Do vậy, phát triển bảo hiểm vi mô trong nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp tài chính rất cần thiết để hỗ trợ tài chính cho người nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất, sinh sống, từ đó phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2009 – 2014), GDP nông – lâm – thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2%. Kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, thu nhập của người nông dân thôn được cải thiện.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baodautu.vn)

 

 

 

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.