Cẩn trọng thanh khoản ngoại tệ

Nhiều doanh nghiệp có khoản lợi nhuận đột biến nhờ hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá tiền đồng khi vay các ngoại tệ mạnh như đồng JPY Nhật và EUR. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp vay ngoại tệ cũng chịu rủi ro không ít nếu không bảo hiểm biến động tỷ giá, tương tự một hình thức đầu tư ngoại tệ.

Tiền đồng đang có giá

 

Hiện nay EUR mất giá 8,8% so với VNĐ vì Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất và công bố một số chương trình kích thích nhằm giải quyết tình trạng lạm phát ở mức thấp và tăng trưởng yếu. Tương tự, đồng JPY giảm 7,7% so với VNĐ vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm khắc phục tình trạng giảm phát để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Thực tế đồng JPY có xu hướng giảm giá với mốc thời gian kể từ giữa năm 2012 đến nay đã mất gần 25%. Tương tự đồng tiền chung châu Âu EUR cũng liên tục mất giá so với USD, bởi lạm phát trong khu vực đồng EUR tiếp tục tăng thấp do người tiêu dùng giảm chi tiêu đối với thực phẩm và năng lượng.

Trong khi đó, chính sách tỷ giá của Việt Nam là neo VNĐ theo USD, tức NHNN sẽ giữ tỷ giá USD/VNĐ ổn định quanh tỷ giá mục tiêu. Tỷ giá VNĐ so với các đồng tiền khác sẽ biến động tùy thuộc phần lớn vào tỷ giá giữa đồng tiền đó so với USD.

Vì vậy, tỷ giá giữa VNĐ và các đồng tiền khác cũng biến động rất mạnh. Hơn 1 tuần trở lại đây, tỷ giá USD/VNĐ đã được giữ ổn định sau khi tăng mạnh vài ngày đầu tháng 10. Bởi NHNN công bố sẵn sàng can thiệp ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường. Theo dõi diễn biến kể từ sau khi tỷ giá USD/VNĐ ổn định trở lại, 2 loại tiền tệ này vẫn đang tăng mạnh hơn so với các ngoại tệ mạnh khác như JPY, EUR, won.

Bất cân xứng huy động và cho vay ngoại tệ

 

Việc hưởng lời từ chênh lệch tỷ giá không phải là khoản lợi nhuận bền vững. Điều đó cũng có nghĩa là không nên xem vay ngoại tệ như là mục tiêu chính. Đối với nhà đầu tư cũng cần thận trọng với việc đầu tư vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có lợi nhuận đột biến do có khoản vay bằng ngoại tệ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết trong 9 tháng năm 2014 tăng trưởng tín dụng đưa vào các thành phần kinh tế để sản xuất kinh doanh tại TPHCM tăng 6,05% so với đầu năm. Trong đó doanh nghiệp vay bằng VNĐ tăng trưởng 4,65% so với cuối năm 2013, ngược lại cho vay bằng ngoại tệ lại tăng mạnh đến 13,48%.

 

Nguyên nhân xuất phát từ lãi suất cho vay ngoại tệ thấp, khoảng từ 4-5%/năm và cá biệt chỉ 3%/năm, đối tượng cho vay bằng ngoại tệ cũng được mở rộng lên 5 đối tượng thay vì 4 như trước cũng khiến cho nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ gia tăng. Nghĩa là từ năm 2014 các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên được khuyến khích phát triển kinh doanh cũng sẽ được vay vốn bằng ngoại tệ.

Theo tính toán của một giám đốc có công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TPHCM, nếu doanh nghiệp đang cần nguồn vốn 1 tỷ đồng và nếu vay bằng tiền đồng ở các NH với mức lãi suất tối thiểu 7-8%/năm, phải trả 600.000-700.000 đồng/tháng. Nhưng nếu vay bằng ngoại tệ khoảng 50.000USD với mức lãi suất 4,5%/năm, quy đổi ra lãi suất tiền đồng phải trả chưa đến 400.000 đồng/tháng.

Có lẽ cùng suy nghĩ với vị giám đốc này nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án vay bằng ngoại tệ như USD vẫn có lợi hơn. Trong khi với tỷ giá ổn định như hiện nay các doanh nghiệp sẽ không chịu áp lực biến động tỷ giá khi đến kỳ hạn trả nợ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là cho vay bằng ngoại tệ thời gian qua tăng cao nhưng huy động lại rất thấp, ước 9 tháng trên địa bàn TPHCM tăng 0,12% so với đầu năm 2014. Con số này quá thấp so với tăng trưởng tín dụng 13,48%.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với thanh khoản ngoại tệ do chênh lệch lớn giữa huy động và cho vay. Hiện nay mức tăng tín dụng ngoại tệ chưa đáng ngại, nhưng nếu quy mô các khoản vay bằng ngoại tệ tiếp tục tăng trong khi huy động đầu vào sụt giảm sẽ dẫn đến một thời điểm nào đó điều chỉnh tỷ giá tăng, tỷ giá biến động mạnh.

Thực tế trong giai đoạn năm 2009-2010 đã từng xảy ra hiện tượng này. Rủi ro vay bằng ngoại tệ vẫn chưa dừng ở đó mà có thể đến bất kỳ lúc nào. Hiện nay, những doanh nghiệp vay EUR, JPY hay một số ngoại tệ khác đang được hưởng lợi từ sự lên giá của đồng USD. Tuy nhiên, những đồng tiền này cũng có thể tăng giá trở lại bất kỳ lúc nào, do đó vào thời điểm này nếu tiếp tục vay những đồng tiền đã mất giá mạnh sẽ rất rủi ro.

Nhớ lại trường hợp cổ phiếu PPC của Nhiệt Điện Phả Lại đã từng được gọi là “siêu cổ phiếu” khi có bước tăng trưởng đột phát hơn 100%. Đó là giai đoạn nửa đầu năm 2013 khi đồng JPY giảm giá và PPC được hoàn nhập lại khoản dự phòng cho khoản vay này và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tốt lên đến gần 1.300 tỷ đồng.

Nhưng cũng không ai quên rằng PPC đã có khoản thời gian giao dịch bằng nửa thị giá và phải chịu lỗ liên tục cũng xuất phát từ khoản vay bằng ngoại tệ này. Hơn nữa, theo quy định của Bộ Tài chính về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp sẽ không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. 

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo saigondautu.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.