Tái tục hay không tái tục? Nhiều người đã và sẽ còn đặt câu hỏi này.
Một doanh nhân đã từng mua bảo hiểm cho chiếc Mercedes R300 của mình từ một công ty bảo hiểm với mức phí khoảng 46 triệu đồng vào năm 2013. Tuy nhiên, ông hiếm khi sử dụng chiếc xe này và ông cũng là một người lái xe rất cẩn thận nên trong cả năm, ông chỉ đòi bồi thường một lần với số tiền khoảng 7 triệu đồng.
Nghĩ rằng mình sẽ có lợi hơn khi tự bảo hiểm cho chiếc xe hơi của mình, ông đã quyết định không tái tục hợp đồng bảo hiểm khi nó hết hạn. Không ngờ chỉ ít hôm sau, chiếc xe của ông bị thủy kích buộc phải thay thế toàn bộ động cơ. Tai họa này khiến ông mất khoảng 1,3 tỷ đồng.
Công ty bảo hiểm đã từng phục vụ khách hàng này rất buồn khi nghe tin không may của vị khách hàng cũ, nhưng đành phải xin lỗi khi không thể giúp gì cho ông.
“Ồ, chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra với tôi”, bạn có thể nói. Vâng, gần đúng như vậy. 99% tổn thất lớn như vậy sẽ không xảy ra với bạn – nhưng nếu chẳng may bạn ở trong nhóm xui xẻo 1% thì sự mất mát sẽ vô cùng to lớn.
Theo thống kê của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, ít nhất 2/3 số khách hàng đã từng nhận được tiền bồi thường từ Công ty trong năm vừa qua, nên có thể nói là hầu như ai cũng có lúc cần đến bảo hiểm.
Nếu bạn quyết định không tái tục hợp đồng bảo hiểm ô tô thì sao? Chào mừng đến với “Las Vegas”, nơi bạn sẽ đánh bạc với rủi ro! Bạn sẽ tự chịu mọi tổn thất, nếu có, và chúc bạn may mắn! Nhưng dù sao, đừng quên tái tục hợp đồng bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc.
Theo quy định, chi phí chỉ là 436.700 đồng/năm cho xe 5 chỗ và 873.400 đồng/năm cho xe 8 chỗ. Mức phạt đối với việc không mua loại hình bảo hiểm này chắc chắn là cao hơn so với mức phí bảo hiểm bạn phải mua, và cơ hội bạn bị “hỏi thăm” bởi lực lượng cảnh sát giao thông là rất cao.
Nếu muốn mua bảo hiểm chỉ với chi phí tối thiểu? Hiện nay, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều có chính sách ưu đãi dành cho các khách hàng trung thành và lái xe an toàn. Vì vậy, bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách ở lại lâu với một công ty bảo hiểm và chỉ yêu cầu bồi thường khi chi phí sửa chữa là đáng kể.
Thường xuyên sơn lại các vết trầy xước nhỏ không phải là một quyết định thực sự khôn ngoan vì cả công ty bảo hiểm và khách hàng đều bị thiệt. Nên nhớ rằng, chi phí sơn lại một cánh cửa là như nhau, bất kể có bao nhiêu vết trầy xước. Bảo hiểm là một quỹ chia sẻ rủi ro, và suy cho cùng, bất kỳ khách hàng nào cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí bồi thường. Liệu bạn có thực sự muốn hưởng lợi dựa trên sự thiệt hại của các khách hàng khác không?
Chọn một mức miễn thường cố định cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể phí bảo hiểm. Ví dụ, bằng cách chấp nhận tự trả đến 1 triệu đồng cho mỗi tổn thất, bạn sẽ có thể tiết kiệm được hơn 20% phí bảo hiểm. Khoản tiết kiệm này thừa sức giúp một khách hàng trung bình có thể trả cho việc sơn lại các vết trầy xước khoảng 2 lần/năm. Và bạn còn có thể tiết kiệm đến 50% phí bảo hiểm nếu chọn mức miễn thường là 5 triệu đồng.