Cần linh hoạt và khoa học trong việc phân nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc sau hơn 5 năm thực hiện luật. Xin bàn đến một trong những nội dung sửa đổi đang được thảo luận là cách phân nhóm đối tượng tham gia BHYT sao cho phù hợp vì hiện có quá nhiều nhóm với nhiều đầu mối quản lý, rất khó khăn trong việc xác định danh sách, dẫn đến tình trạng vừa trùng lặp, vừa chia cắt, bỏ sót đối tượng.

Phân nhóm theo dự thảo Luật sửa đổi

Theo Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn, hiện có tới 33 nhóm đối tượng với 33 mã số định danh và 7 mã quyền lợi khác nhau. Dự thảo luật sửa đổi chia thành 5 nhóm lớn theo tiêu chí về trách nhiệm đóng BHYT, bao gồm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và nhóm tự đóng BHYT.

Tuy nhiên, cách sắp xếp này chưa rút gọn được số lượng các nhóm, vẫn còn tới 21 nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, với việc không đề cập đến nhóm thân nhân người lao động, thực ra phải gọi là người phụ thuộc, mục tiêu kết hợp thực hiện BHYT cho nhóm người lao động gắn với người phụ thuộc – một giải pháp khả thi nhất để mở rộng diện bao phủ, bảo đảm tính bền vững, tránh chia cắt và bỏ sót đối tượng trong hộ gia đình sẽ không thực hiện được. Việc bỏ nhóm hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp – những người sinh sống ở nông thôn, hiện chiếm tỷ trọng dân số lớn (hơn 70%), cần có giải pháp đặc thù trong thực hiện, cũng như không có cam kết gì về hỗ trợ tài chính của nhà nước đối với nhóm dân số này sẽ là thách thức rất lớn trong tổ chức thực hiện, không gắn với quan điểm và mục tiêu trong chiến lược của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Vậy có cách phân nhóm khác không? Có thể có nhiều cách phân nhóm khác nhau nhưng việc phân nhóm cần đạt được các mục tiêu và yêu cầu sau: thuận lợi trong tổ chức thực hiện, từ khâu kê khai, đăng ký tham gia, thu, nộp phí BHYT đến xác định mức hưởng, mức cùng chi trả; phù hợp với cơ cấu lao động, phong tục tập quán, nơi sinh sống, hệ thống quản lý hành chính hiện hành; loại bỏ được tối đa sự trùng lặp hay bỏ sót đối tượng; hạn chế tình trạng lựa chọn ngược – tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT; xác định đúng đối tượng cần được hỗ trợ mức đóng hay được hưởng các ưu tiên khác về quyền lợi trong khám, chữa bệnh.

Một số ý kiến đề xuất phương án chia thành 2 nhóm truyền thống như nhiều nước áp dụng, gồm: nhóm lao động chính quy và nhóm lao động phi chính quy. Nhóm lao động chính quy gồm những người làm công ăn lương, có nơi quản lý lao động; những người thuộc nhóm là người phụ thuộc của người lao động, thường là cha, mẹ đã hết tuổi lao động; vợ, chồng không có thu nhập, các con chưa đến tuổi lao động, đương nhiên được hưởng BHYT mà không phải đóng phí BHYT. Nhóm lao động phi chính quy bao gồm tất cả các nhóm dân số khác còn lại. Nhóm này sẽ đăng ký thực hiện theo từng hộ gia đình; chủ hộ có trách nhiệm đóng phí BHYT cho tất cả thành viên trong gia đình.

Cần linh hoạt phân nhóm đối tượng tham gia BHYT

Thực tế, nếu chỉ chia thành hai nhóm như trên thì chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay. Vì vậy, xin đề xuất một phương án phân chia thành 6 nhóm như sau: nhóm 1, người lao động, bao gồm cả công chức, viên chức và người phụ thuộc;nhóm 2, lực lượng vũ trang và thân nhân của lực lượng vũ trang; nhóm 3, hưu trí, mất sức;nhóm 4, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; nhóm 5, người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp; nhóm 6, người buôn bán, lao động tự do khu vực thành thị, thầy tu, người nước ngoài. Việc kê khai, đăng ký của nhóm 1 sẽ thực hiện theo cơ quan, doanh nghiệp nơi người lao động làm việc. Nếu người lao động thất nghiệp, quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ đóng BHYT theo quy định về BHYT đối với người thất nghiệp. Người lao động có trách nhiệm kê khai những người phụ thuộc để được hưởng quyền lợi BHYT. Mức đóng sẽ tính theo mức tiền lương tháng của người lao động và có sự chia sẻ giữa người lao động, chủ sử dụng lao động và hỗ trợ của ngân sách nhà nước; người phụ thuộc không phải đóng phí BHYT. Nhóm 2 do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý và tổ chức thực hiện cho phù hợp với tính đặc thù của các đối tượng thuộc nhóm này. Nhóm 3 thực hiện theo cá nhân và do BHXH quản lý. Từ nhóm 4 đến nhóm 6 sẽ thực hiện đăng ký đối tượng, thu phí theo hộ gia đình. Mức đóng của các nhóm này có thể tính theo quy mô hộ gia đình hoặc theo từng cá nhân, chủ hộ đóng cho tất cả các thành viên trong gia đình. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ cho nhóm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ một phần cho tất cả các nhóm còn lại. Người thuộc hộ cận nghèo sẽ thực hiện theo nhóm 4 (người nghèo) hoặc nhóm 5 (nông dân). Người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên sẽ lồng ghép thực hiện theo nhóm 1 hoặc nhóm 6 nếu là người phụ thuộc hay thân nhân của lực lượng vũ trang hoặc thực hiện theo nhóm 4, 5 hoặc 6 nếu là thành viên của hộ gia đình.

Phương án phân thành 6 nhóm có nhiều ưu điểm. Việc gắn người phụ thuộc với người lao động là biện pháp hợp lý và hiệu quả nhất để mở rộng diện bao phủ, vừa tránh trùng lặp vừa không bỏ sót đối tượng như nhiều nước áp dụng.

Việc xác định riêng nhóm nông dân là rất cần thiết vì tính đặc thù của nhóm này. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thực hiện BHYT với nhóm nông dân là rất khó khăn, ngoài việc hỗ trợ mức đóng cần có giải pháp phù hợp trong tổ chức thực hiện. Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước đã đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân từ nhiều chục năm qua hiện vẫn phải tách riêng khu vực phi chính quy thành hai nhóm: thành thị và nông thôn để có biện pháp phù hợp trong tổ chức thực hiện. Trung Quốc thành công trong thực hiện BHYT cho nông dân nông thôn cũng là do có chương trình riêng đối với hộ gia đình nông dân.

Nguồn ngân sách nhà nước cũng được sử dụng hợp lý và hài hòa hơn để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, cả hai phương án phân nhóm này nếu được lựa chọn áp dụng thì sẽ phải điều chỉnh một số điều, khoản trong luật liên quan đến mức đóng, trách nhiệm đóng, mức hưởng, quy định về cùng chi trả, về hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng như trách nhiệm của chính quyền các cấp. Dù có phân nhóm thế nào thì mục đích cuối cùng là để quản lý được từng cá nhân trong mỗi nhóm, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao hay thấp không chỉ phụ thuộc vào việc tuyên truyền vận động, năng lực và cách thức tổ chức thực hiện của cơ quan BHYT mà còn phụ thuộc tính tuân thủ pháp luật cũng như chế tài xử lý nếu không tham gia. Vì vậy, dự thảo luật cũng cần phải quy định bắt buộc phải tham gia BHYT cũng như có chế tài xử lý nếu không tham gia theo luật định. Có như vậy, mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân mới có thể thực hiện hiệu quả./.

Bs Phạm Gia Hội(Theo ĐBND)
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.