Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2016, TP Hà Nội đã có 5.549.227 người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt tỷ lệ bao phủ 78,2% dân số. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội đang gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tại một số trường học trên địa bàn 3 huyện còn thấp dưới 70%, số lượng sinh viên, đặc biệt là sinh viên học từ năm thứ 2 trở đi tại các trường đại học tham gia BHYT chưa cao, đến hết tháng 6/2016 mới có 84,9% sinh viên tham gia. Một số đại lý thu BHYT hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT. Cơ sở vật chất, chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Điều này đã dẫn đến tâm lý e ngại của người dân khi tham gia BHYT và khám, chữa bệnh BHYT.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, năm 2016, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT năm 2016 đạt 80% dân số và đến năm 2020 phải nâng tỷ lệ này lên 90,1%. Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2020 có trên 55% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Để thực hiện được những mục tiêu này, TP Hà Nội đang huy động nhiều nguồn lực, đưa ra nhiều giải pháp cùng sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính quyền.
Những năm qua, BHXH TP Hà Nội đã tăng cường công tác tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Ngay sau khi Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị được ban hành, BHXH TP đã tham mưu để Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động và UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Thành ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020” trên địa bàn Thủ đô. BHXH TP phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu UBND TP nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 70% lên 100% mức đóng BHYT từ ngày 1/1/2014. Đồng thời, tham mưu để UBND TP ban hành một loạt kế hoạch về triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, giao chỉ tiêu thực hiện BHYT, tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT…
Để tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của các cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động, luật BHXH, luật BHYT. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, tăng cường bảo vệ quyền lợi của người có thẻ BHYT, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…
Hiện nay, nhiều bệnh viện đã và đang được mở rộng, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hiện đại hoặc xây mới, nhân lực được bổ sung để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách giao tiếp để người bệnh hài lòng. Ngành Y tế nên rà soát, đánh giá lại, bệnh viện nào quá tải, bắt người bệnh chờ lâu, cơ sở vật chất không đáp ứng cần giảm ký hợp đồng số thẻ BHYT.
Về phía cơ quan BHXH, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, BHXH Hà Nội đề xuất UBND TP thực hiện hỗ trợ 20% mức đóng BHYT cho học sinh các huyện, nâng tiêu chí đánh giá tỷ lệ bao phủ BHYT từ 70% lên 80% đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, đề xuất các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, hội đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT vận động mọi người dân trên địa bàn tích cực tham gia đề ra các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2016 và đến năm 2020.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo thanhtra.com.vn)