Cam kết bồi thường nhanh cho doanh nghiệp bị tổn thất

(TBTCO) – Mặc dù hồ sơ bồi thường chưa hoàn tất, tuy nhiên Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh đã quyết định chi trả tạm ứng bồi thường hơn 17 tỷ đồng cho các DN bị tổn thất nặng nề sau sự cố tại Bình Dương.

Phóng viên TBTCO đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Năng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, đến thời điểm hiện nay Bảo Minh đã phối hợp với các DN bị thiệt hại như thế nào để sớm hoàn tất thủ tục bồi thường cho DN?

– Ngay sau khi sự cố xảy ra, từ ngày 15/5/2014 và liên tục các ngày sau, Bảo Minh đã cử cán bộ, chuyên viên và các giám định viên đến tận các nhà máy, DN bị tổn thất để thăm hỏi và ghi nhận tình hình hiện trường ban đầu tại địa bàn Bình Dương và Đồng Nai, hướng dẫn khách hàng kê khai tổn thất, làm các thủ tục cần thiết phục vụ cho việc thiết lập các hồ sơ khiếu nại bồi thường bảo hiểm.

 
 
   Nguyễn Thế Năng
Ông Nguyễn Thế Năng
 

Bên cạnh đó, Bảo Minh cũng đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nhanh chóng hoàn tất các thủ tục bồi thường, giúp DN bị thiệt hại nhanh chóng khôi phục sản xuất.

* Ước tính số tiền bồi thường, số DN bị thiệt hại đến thời điểm hiện tại của Bảo Minh, thưa ông?

– Tính tới thời điểm hiện nay, Bảo Minh có 110 khách hàng bị tổn thất với tổng số tiền tổn thất  khoảng gần 280 tỷ đồng. Bảo Minh đang hoàn tất hồ sơ để tiến hành chi trả bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với khách hàng.

Hiện nay, hồ sơ bồi thường chưa thể hoàn tất, nhưng chúng tôi vẫn quyết định chi trả tạm ứng bồi thường một phần cho DN nhằm hỗ trợ khách hàng giảm bớt khó khăn về tài chính, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Đợt đầu Bảo Minh tiến hành trao tạm ứng tiền bồi thường cho 4 DN bị tổn thất với tổng số tiền là 17,2 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Diamond (Đài Loan), ước tổn thất 150 tỷ đồng, tạm ứng bồi thường lần 1 là 10,5 tỷ đồng; Công ty Sài Gòn Dayar (Đài Loan), ước tổn thất 32 tỷ, tạm ứng lần 1 là 4,2 tỷ đồng; Công ty Latitude Tree (Đài Loan), ước tổn thất 5 tỷ đồng, tạm ứng lần 1 là 1,5 tỷ đồng; Công ty Bor Yuer (Đài Loan), ước tổn thất 3 tỷ đồng, tạm ứng lần 1 là 1 tỷ đồng.

* Thời gian tới, để đảm bảo việc giải quyết bồi thường nhanh, chính xác, tránh trục lợi bảo hiểm, Bảo Minh có giải pháp gì, thưa ông?

– Số tiền tạm ứng bồi thường lần này mặc dù chưa đáp ứng được hết nguyện vọng của các DN, nhưng đã khẳng định được cam kết và trách nhiệm của Bảo Minh. Thời gian tới, Bảo Minh sẽ tập trung hướng dẫn khách hàng kê khai tổn thất và làm các thủ tục cần thiết phục vụ công tác bồi thường.

Chúng tôi cũng mong muốn UBND tỉnh Bình Dương tạo điều kiện hỗ trợ Bảo Minh hoàn thiện hồ sơ bồi thường bằng việc tạo điều kiện cho các khách hàng của Bảo Minh được sao chụp lại các hồ sơ, chứng từ, dữ liệu đã bị phá hủy, mất mát từ các cơ quan ban ngành có liên quan như Hải quan, Thuế, Kiểm toán, các cơ sở cung cấp dịch vụ, nguyên nhiên vật liệu…, các biên bản kết luận điều tra từ các cơ quan chức năng như Cảnh sát điều tra, Cảnh sát PCCC cho từng DN bị tổn thất. Trên cơ sở đó khách hàng của Bảo Minh sẽ được chi trả bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ theo điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm.

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.