Cải cách thủ tục hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP. Được đánh giá là một trong số ít ngành đã có những chuyển biến tích cực trong CCHC, ngành BHXH đã có những cải cách tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH. Bên cạnh đó, làm tốt công tác CCHC sẽ giúp giảm số lượng đầu việc, công việc cho chính ngành BHXH.
Giải quyết nhanh cho người thất nghiệp
Chị Nguyễn Thị Hải, công nhân (CN) may, làm việc tại KCN Tân Bình (quận Tân Phú, TPHCM). Đầu tháng 4 vừa qua, do sức khỏe không đảm bảo, chị Hải đã làm đơn xin nghỉ việc. Tham gia BHXH, BH thất nghiệp được 7 năm, trong lúc chưa có việc làm mới, chị làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm quận Tân Bình. Sau 17 ngày nộp hồ sơ, chị đến Trung tâm nhận Quyết định trợ cấp thất nghiệp, thẻ BHYT, thẻ ATM, sau đó, hàng tháng chị nhận trợ cấp qua tài khoản cá nhân của mình. Chị Hải cho biết: “Sức khỏe không tốt nên đối với tôi việc nhận trợ cấp hàng tháng qua thẻ là lựa chọn tốt nhất. Ngay cả những người khỏe, việc nhận tiền qua thẻ giúp họ có thời gian để đi học nghề, đi tìm việc làm mới”.
Chị Hải là một trong hơn 100 ngàn người thất nghiệp hàng năm ở TPHCM, theo ông Cao Văn Sang, giám đốc BHXH TPHCM, trung bình, việc trả trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM đã giảm cho mỗi NLĐ ít nhất 4 lượt đi lại, NLĐ không cần đến BHXH quận lần nào, hàng năm với hơn 100 ngàn người nhận trợ cấp thất nghiệp, chi trả qua thẻ đã tiết kiệm được nửa triệu lượt người phải tiếp xúc. “Thuận tiện cho người lao động (NLĐ), cơ quan BHXH cũng được lợi trong khi cơ sở vật chất còn chật hẹp. Chưa kể, mỗi năm, tỉ lệ dịch chuyển lao động ở TPHCM là 1/3, nghĩa là lao động giảm chừng 600 ngàn người và tăng 660 ngàn, trên tổng số 1,8 – 1,9 triệu lao động” – ông Sang lý giải.
Bà Lê Minh Lý – Phó giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết: Hiện nay, BHXH tỉnh Bình Dương quản lý 7.122 đơn vị, doanh nghiệp (DN) với gần 800 ngàn người tham gia BHXH, BH thất nghiệp. Đây là tỉnh có lượng lao động dịch chuyển lớn với gần 60%. Nguyên nhân chính là do 80% là NLĐ ngoài tỉnh; cơ cấu ngành nghề là công nghiệp nhẹ với số đông là lao động phổ thông thuộc các ngành nghề: dệt, may, giày da, chế biến gỗ… Theo bà Lý, với 60% lao động dịch chuyển, đối với ngành BHXH, áp lực giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động rất lớn, đặc biệt là chi trả trợ cấp thất nghiệp. Để giảm áp lực này, từ năm 2012, BHXH tỉnh Bình Dương đã tiến hành chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ qua thẻ ATM.
TPHCM được xem là tỉnh, thành đầu tiên thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành đã bắt đầu triển khai theo. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đây là cách làm tốt nhất trong thời điểm hiện nay, trong điều kiện NLĐ quen nhận tiền mặt. Tuy nhiên, để có được kết quả này, giai đoạn đầu khi triển khai, cơ quan BHXH TPHCM đã vấp phải nhiều phản ứng. Ông Cao Văn Sang nói: “Thời điểm năm 2010 chưa có một quy định nào bắt buộc người thất nghiệp nhận trợ cấp qua thẻ nên cơ quan BHXH nhận không ít “gạch đá” từ dư luận. BHXH TP phải xin ý kiến của lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận có văn bản chấp thuận thì công tác này mới được triển khai”.
Ông Cao Văn Sang cho biết thêm, BHXH TP đang tiến hành thu thập số tài khoản cá nhân để chi trả ốm đau thai sản qua thẻ ATM. Với hơn 1 triệu lượt ốm đau thai sản phải giải quyết hàng năm, việc chi trả trợ cấp qua thẻ ATM được kỳ vọng sẽ giảm việc cho cơ quan BHXH và thuận lợi cho NLĐ.
Cách “truyền thống” hiện nay là DN nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH, cơ quan này sau khi tính các khoản trợ cấp sẽ chuyển tiền về cho DN để DN chi trả cho NLĐ. Thực tế, có 1 số DN chiếm luôn khoản tiền này hoặc than phiền việc chi trả này làm tốn thời gian của DN. Ông Sang cho biết: “Đa số người đi làm nhận lương qua tài khoản ngân hàng nên BHXH chủ trương tiếp nhận số tài khoản của NLĐ để chi trả chế độ ốm đau thai sản, trợ cấp BHXH 1 lần khi nghỉ việc, chế độ hưu trí khi nghỉ hưu… Chúng tôi đang tiến hành và kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao. Cuối năm 2015, BHXH TP tiến hành thu thập số tài khoản của công nhân Cty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM), Cty với hơn 83.000 CNLĐ, hiện nay, mỗi tháng, cơ quan BHXH TP chi trả hơn 2.000 người hưởng trợ cấp ốm đau thai sản qua tài khoản cá nhân của họ”.
Minh bạch thông tin với người lao động, doanh nghiệp
Mới đây, nhóm CN của Cty chuyên về xuất khẩu thủy sản có trụ sở tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TPHCM) nghe được thông tin, Cty không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ từ năm 2015 đến nay, trong khi đó, hàng tháng Cty vẫn trích tiền lương của NLĐ. Thông tin lan đi, nhiều CN bức xúc ngừng việc yêu cầu Cty giải thích. Lắng nghe ý kiến của công nhân, một mặt ban giám đốc Cty đề nghị phòng nhân sự liên hệ với cơ quan BHXH quận Thủ Đức để được hỗ trợ, một mặt, ban giám đốc đề nghị NLĐ dùng điện thoại cá nhân để truy cập vào địa chỉ http://c13.bhxhtphcm.gov.vn/ để tra cứu thông tin về quá trình đóng BHXH của từng cá nhân. CN nào không truy cập được Internet sẽ được phòng nhân sự của Cty tra cứu giúp. Chỉ sau khoảng 30 phút, tất cả các thông tin về quá trình đóng BHXH của CN được minh bạch. Ông Nguyễn Đức Toàn, giám đốc Cty cho biết: “Nguyên nhân vụ việc được cho là một số công nhân đi khám chữa bệnh nhưng dùng thẻ BHYT đã hết thời hạn trong khi Cty chưa kịp phát thẻ BHYT mới cho công nhân nên họ cho rằng, Cty không đóng BHXH, BHYT. Khi chúng tôi hướng dẫn anh chị em vào tra cứu thông tin về quá trình đóng trên mạng, vụ việc nhanh chóng được giải quyết. Nếu thông tin về quá trình đóng không được minh bạch, cuộc đình công kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của Cty”.
Đưa thông tin về quá trình đóng BHXH lên mạng Internet là một trong những cách giúp minh bạch thông tin đối đối với NLĐ, DN của cơ quan BHXH TPHCM. Theo đó, NLĐ chỉ cần nhập số sổ BHXH, số CMND, hoặc số thẻ BHYT sẽ nhận được thông tin về quá trình tham gia BHXH của mình. Nhận xét về tiện ích này, chị Nguyễn Việt Hà, làm việc tại KCX Tân Thuận (TPHCM), nói: “Bây giờ, hầu hết CN đều có điện thoại thông minh, sử dụng Internet, việc tra cứu thông tin về quá trình tham gia BHXH trên mạng sẽ thuận tiện cho NLĐ so với trước đây là phải đến trực tiếp cơ quan BHXH để đề nghị cơ quan này in bằng giấy. Việc minh bạch thông tin về quá trình đóng giúp cho NLĐ giám sát quá trình đóng BHXH cho NLĐ của DN, tránh trường hợp DN chiếm dụng, trốn đóng thời gian dài rồi bỏ trốn mà NLĐ không biết”.
Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử đã giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho DN và người tham gia giao dịch BHXH, đặc biệt là những tỉnh, thành tập trung đông DN. Cụ thể, tại TPHCM hiện nay, 96 – 97% đơn vị, DN, Bình Dương với 83% đơn vị, DN áp dụng, tại Đồng Nai, đến cuối tháng 7.2015, có gần 99% đơn vị thực hiện giao dịch điện tử về đăng ký tham gia và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT giao dịch điện tử…
“Yêu cầu thủ tục được công khai minh bạch, mình chỉ cần điền vào để gửi đi, giảm thiểu sai sót khi kê khai, giảm thời gian giao dịch với cơ quan BHXH và thời gian chờ đợi, đặc biệt, Cty giám sát được quá trình thực hiện của cơ quan BHXH, xem ngay được kết quả và nhận kết quả kịp thời. Không phiền hà, tới lui rắc rối như trước đây” – bà Lê Việt Anh, Trưởng phòng nhân sự Cty Triple VN (Đồng Nai), đánh giá.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)