Lợi ích của thẻ điện tử
Theo ông Ðào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ðối với người tham gia BHYT, những người đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Người dân đi khám chữa bệnh không cần mang giấy tờ tùy thân, mà có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt… Toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh được lưu trữ trên thẻ sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh tật.
Ðối với cơ sở khám chữa bệnh, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử sẽ giúp khâu đón tiếp bệnh nhân nhanh gọn, chính xác, tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục do trong thẻ đã lưu giữ thông tin nhận dạng, xác thực nhân thân người bệnh, thay vì phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh.
Thẻ điện tử cũng giúp cơ sở y tế kiểm tra thông tin các lần khám chữa bệnh gần nhất để tránh việc sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng với tần suất có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh hay việc cấp các loại thuốc điều trị phù hợp, tránh tình trạng kháng thuốc do sử dụng không hợp lý.
Ðối với cơ quan bảo hiểm xã hội, việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT do người đi khám chữa bệnh phải thực hiện việc xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học, ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT.
Ngoài ra, thời gian làm thủ tục cũng được rút ngắn, giảm thời gian thực hiện công tác giám định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo phương thức thủ công. Thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp dự kiến sẽ được tích hợp vào thẻ BHYT điện tử để tiến tới dùng chung, thay thế cho sổ bảo hiểm xã hội hiện hành.
Việc cấp thẻ BHYT điện tử cũng góp phần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như in gia hạn sử dụng thẻ BHYT hàng năm; đổi thẻ do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng; thu hồi thẻ còn giá trị sử dụng đối với người lao động báo giảm…
Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã sẵn sàng triển khai
Ðược biết, việc triển khai thẻ BHYT được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của Luật Bảo hiểm y tế về “ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT”.
Từ năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao nghiên cứu thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung và chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử.
Thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng dự thảo Quyết định cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử, tổ chức các cuộc họp, hội thảo với các bộ, ngành, cơ sở khám chữa bệnh, ngân hàng…; đồng thời, gửi văn bản xin ý kiến tham gia, góp ý của các bộ, ngành có liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ðại đa số ý kiến đều nhất trí với việc ban hành Quyết định về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử.
Tiếp đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trình Chính phủ phê duyệt. Gần đây nhất, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chủ trì làm việc với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoàn thiện dự thảo trước khi trình ký, ban hành Quyết định về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử.
Theo lộ trình đã được đặt ra tại các văn bản pháp luật về BHYT hiện hành, từ ngày 1/1/2020, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia.
Hiện tại, các điều kiện về cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đã cơ bản hoàn thiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu tập trung về đối tượng tham gia và hoạt động nghiệp vụ của ngành trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, BHYT như cấp số định danh cá nhân (mã số bảo hiểm xã hội) cho người tham gia.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người tham gia và các cơ sở khám chữa bệnh đã quen với việc tra cứu thông tin về thẻ BHYT trên Cổng dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT. Như vậy, việc triển khai thẻ BHYT điện tử trong thời gian tới là rất thuận lợi.
Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt và ban hành Quyết định về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động nghiên cứu, khảo sát, thí điểm, đánh giá ưu, nhược điểm các mô hình cấp, quản lý và sử dụng thẻ điện tử trong và ngoài nước để có cơ sở xây dựng dự thảo văn bản về mẫu và quy trình hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện cấp chuyển đổi từ thẻ BHYT chất liệu giấy sang thẻ điện tử trong thời gian tới.
Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn