Quốc hội vừa thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với 82,73% phiếu tán thành, trong đó có nhiều nội dung mới mang tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHYT hiện hành. Đạt được kết quả trên, có một phần đóng góp rất quan trọng của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – cơ quan theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện và xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí BHXH đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về những quan điểm, định hướng lớn để đưa Luật BHYT sửa đổi, bổ sung nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và đạt hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Qua thảo luận tại 02 kỳ họp thứ 06 và thứ 07 của Quốc hội khóa XIII, ngày 13/06/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với 82,73% tổng số đại biểu Quốc hội, thể hiện sự nhất trí cao với các nội dung sửa đổi bổ sung. Trong nội dung sửa đổi, bổ sung, đã bảo đảm cân đối giữa hai yếu tố là tăng chi để cải thiện quyền lợi của người tham gia BHYT và tăng thu đảm bảo bền vững Quỹ BHYT… có nhiều điểm mới, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục khẳng định chính sách BHYT toàn dân, trên cơ sở quy định nguyên tắc BHYT là bảo hiểm bắt buộc; thực hiện BHYT theo hộ gia đình có kèm theo khuyến khích, đây là nội dung quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân và cũng là tiếp thu kiến nghị qua giám sát tối cao của Quốc hội về BHYT và đồng thời kế thừa kinh nghiệm của quốc tế.
Hai là, lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống BHYT.
Ba là, bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT như: người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, người đang tại ngũ trong lực lượng vũ trang, thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; một số nhóm đối tượng được tổ chức BHXH đóng BHYT đó là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Bốn là, bổ sung quyền lợi cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT đó là:
– Bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả từ 20% với thân nhân chủ yếu của người có công với cách mạng (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ); giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công, hộ gia đình cận nghèo.
– Người có thời gian tham gia BHYT từ 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được hưởng 100% chi phí KCB, trừ trường hợp tự đi KCB.
– Lực lượng vũ trang tại ngũ được đảm bảo KCB không mất tiền (từ Quỹ BHYT chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo).
– Trẻ em dưới 06 tuổi được Quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/09 của năm đó.
– Nhóm đối tượng là người đang tại ngũ trong quân đội, công an; người có công với cách mạng được Quỹ BHYT chi trả chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên.
– Bỏ quy định BHYT không chi trả với trường hợp tự tử, tự gây thương tích, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp… (những trường hợp trên sẽ được Quỹ BHYT chi trả).
– Bổ sung quy định cụ thể nếu tỉnh, thành phố nào kiểm soát tốt Quỹ BHYT và có kết dư thì được sử dụng 20% số kết dư để hỗ trợ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, áp dụng nguyên tắc này đến năm 2020, khi đó theo lộ trình tỷ lệ tham gia BHYT tương đối cao và đồng đều giữa các tỉnh.
Năm là, mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 01/01/2016.
Sáu là, mở thông tuyến điều trị nội trú BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.
Từ ngày 01/01/2021, mở thông tuyến tỉnh cho điều trị nội trú BHYT trên toàn quốc và nâng mức hưởng từ 30% hiện hành lên 40% tại tuyến trung ương đối với người tham gia BHYT tự đi KCB.
Bảy là, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đó là:
– Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Quỹ BHYT, tư vấn chính sách BHYT, quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức và cơ cấu đầu tư số tiền nhàn rỗi của Quỹ BHYT trên cơ sở đề nghị của BHXH Việt Nam.
– Quy định thống nhất trên cả nước giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện cùng hạng do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
– Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc triển khai thực hiện BHYT.
– Giảm thủ tục và thời gian chờ đợi để cơ quan BHXH tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở KCB và người bệnh.
– Giao trách nhiệm UBND cấp xã tổng hợp lập danh sách để cấp thẻ BHYT cho các đối tượng.
– Giao trách nhiệm BHXH Việt Nam trong việc kiểm tra, rà soát để tránh cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng.
– Chính phủ báo cáo Quốc hội về quản lý, sử dụng quỹ BHYT hằng năm.
– Tăng chế tài xử lý đối với những trường hợp không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT theo quy định của pháp luật (phạt gấp 02 lần bằng lãi suất quy định tại ngân hàng nhà nước với số tiền nợ BHYT).
Ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trong việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đã đề ra?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được xây dựng với sứ mệnh đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân và thể thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Quốc hội về BHYT.
Một trong những giải pháp đột phá là thực hiện bắt buộc BHYT, tham gia BHYT theo hộ gia đình. Vậy là, theo Luật mới, sẽ không còn cảnh gia đình chọn người ốm để “cử” tham gia BHYT, bên cạnh đó cải thiện quyền lợi của người có thẻ BHYT (người nghèo, cận nghèo, người có công, mở thông tuyến huyện, tỉnh; Nhà nước tiếp tục hỗ trợ một số đối tượng tham gia BHYT; cải tiến thủ tục thanh quyết toán giữa BHYT và bệnh viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT và quyền lợi người bệnh; khuyến khích về tài chính với các tỉnh vận động để tăng tỷ lệ tham gia BHYT và phòng chống lạm dụng Quỹ BHYT…).
Tất cả các điều chỉnh từ cả phía thu và chi cũng như cơ chế quản lý Quỹ BHYT sẽ làm cho chính sách BHYT ngày càng hấp dẫn và thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân.
Theo Tiến sĩ cần phải tổ chức triển khai thực hiện như thế nào để Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và đạt hiệu quả?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Để nội dung sửa đổi bổ sung Luật BHYT đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả, đó là trách nhiệm của Ngành y tế và BHXH Việt Nam cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhất là cấp ủy và chính quyền địa phương… Các cơ quan Quốc hội sẽ tăng cường giám sát để thúc đẩy việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Vì vậy, có mấy điểm Chính phủ cần lưu ý khi triển khai như sau:
– Trước hết cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật; đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới về BHYT để người dân, cán bộ y tế hiểu, chấp hành và cùng nhau tham gia BHYT.
– Khẩn trương triển khai ngay áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT để đáp ứng lộ trình mở thông tuyến huyện/xã trong khám, chữa bệnh BHYT từ ngày 01/01/2016. Vì đây là tuyến được BHYT chi trả cả KCB nội và ngoại trú, nên sẽ rất khó kiểm soát chống lạm dụng trong khám bệnh ngoại trú ở các xã và tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Nếu không kiểm soát tốt, có thể một số ít người sẽ lợi dụng quy định này và đi khám tại 02 đến 03 xã, 02 đến 03 cơ sở y tế tuyến huyện/ngày để lấy thuốc. Tất nhiên, số này có thể không nhiều, nhưng cần có biện pháp để ngăn ngừa sự lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
– Triển khai hướng dẫn để UBND cấp xã thực hiện tốt chức năng luật định, đó là lập danh sách để trình cơ quan thẩm quyền duyệt và cấp BHYT; danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình;
– Ngành Y tế và cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng KCB; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh nói chung và khám, chữa bệnh BHYT;
– Cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai các giải pháp hữu hiệu để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt quan tâm các địa phương và các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp; chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT vào Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và dành ngân sách địa phương hỗ trợ cho nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT;
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng cùng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân tham gia BHYT.
Thưa Tiến sĩ, qua trên 20 năm thực hiện chính sách BHYT ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, mục tiêu BHYT toàn dân đang dần trở thành hiện thực. Nhân Ngày BHYT Việt Nam 01/07, với cương vị là người có nhiều năm gắn bó, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT, xin Tiến sĩ cho biết cảm nhận, suy nghĩ của bản thân đối với sự nghiệp BHYT ở nước ta?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Trên thế giới, mặc dù có nước đã trải qua hàng thế kỷ hay nhiều nước sau hơn nửa thế kỷ thực hiện BHYT đến nay dù đã tốt, nhưng BHYT vẫn có nơi chưa hoàn thiện. Vì vậy, với hơn 20 năm thực hiện BHYT, trong đó có gần 05 năm thực hiện Luật BHYT mà Việt Nam đã đạt được 70% dân số tham gia BHYT với chất lượng khám, chữa bệnh BHYT từng bước được cải thiện là kết quả đáng mừng. Đứng ngoài nhìn vào điều kiện KT-XH của Việt Nam, với thu nhập bình quân chưa đầy 2.000 USD/người/năm mà đạt kết quả BHYT ấn tượng, các chỉ số chăm sóc sức khỏe ở mức tiên tiến như vậy mới thấy hết giá trị của chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách chăm sóc sức khỏe, phát triển BHYT ở Việt Nam.
Gần đây, Giáo sư Hanslei của Đại học Karrolinska của Thụy Điển đã báo cáo trước hơn 300 Nghị sĩ ở 134 nước tại Hội nghị các Nghị sĩ toàn cầu về Dân số sau 20 năm thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị Dân số Cai rô (1994) đã lấy Việt Nam và Mỹ để so sánh về kinh tế và chăm sóc sức khỏe. Theo đó, hiện nay các chỉ số về sức khỏe của Việt Nam và Mỹ gần ngang nhau (tuổi thọ, tỷ lệ tử vong, bệnh tật..), nhưng về thu nhập thì Việt Nam cách Mỹ gần 100 năm. Nhìn vào đó ta sẽ thấy sự ưu việt, nhân văn và hiệu quả của chính sách xã hội trong đó có chính sách chăm sóc sức khỏe và BHYT ở Việt Nam.
Tuy vậy, sự nghiệp BHYT của Việt Nam, trong điều kiện kinh tế – xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, cần phải tiếp tục cố gắng để trước mắt nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT ở một số địa phương, quản lý tốt chống lạm dụng Quỹ BHYT, không để xảy ra các trường hợp như ở Hải Phòng vừa qua.. đồng thời nâng cao chất lượng KCB. Thật đáng mừng, sau đợt giám sát tối cao của Quốc hội về BHYT năm 2013, cấp ủy và chính quyền TP. Hà Nội, Nam Định và nhiều tỉnh, thành phố khác đã có những quyết định quan trọng và nhờ đó tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng lên rõ rệt, Quỹ BHYT được quản lý có hiệu quả hơn.
Hy vọng, sau lộ trình 05 năm tới, khi mở thông đến bệnh viện tuyến tỉnh với tất cả các ca điều trị nội trú, chính sách BHYT của Việt Nam sẽ hoàn thiện và ngày càng hấp dẫn… đạt mục tiêu BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/07, xin chúc cho sự nghiệp BHYT thành công, ngày càng củng cố được niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân khi tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT./.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Hải Hồng (Thực hiện)