Một công ty bảo hiểm phi nhân thọ vừa công bố đơn phương chấm dứt hợp tác với một đại lý bảo hiểm tổ chức sau gần 3 năm hợp tác, bất chấp đại lý này có đóng góp chủ yếu cho mảng bảo hiểm online của công ty.
Tại công văn của công ty bảo hiểm nói trên gửi đại lý tổ chức thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp tác do Tổng giám đốc công ty ký tên, nguyên nhân được cho biết là do nhà bảo hiểm phát hiện đại lý này đã có những hành vi trục lợi bảo hiểm như khai báo gian dối, lập hồ sơ khống để nhận tiền bảo hiểm, đặc biệt là những vụ chết người mà công ty bảo hiểm đã đề nghị cơ quan công an điều tra và kịp thời ngăn chặn.
“Xét thấy đây là hành vi phi đạo đức trong kinh doanh bảo hiểm không thể chấp nhận được và làm ảnh hưởng trầm trọng đến thương hiệu của công ty, nên chúng tôi đơn phương chấm dứt hợp tác với đại lý”, công văn cho biết.
Công ty bảo hiểm cũng yêu cầu đại lý tổ chức trên dỡ bỏ tất cả các thông tin, hình ảnh liên quan đến công ty. Ðại lý trên phải hoàn tất các nghĩa vụ tồn đọng với công ty bảo hiểm ngay sau khi chấm dứt hợp đồng.
Trường hợp đại lý cố tình có hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà bảo hiểm thì nhà bảo hiểm sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Câu chuyện trên đây chỉ là ví dụ mới nhất về mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hợp tác giữa công ty bảo hiểm với đại lý (tổ chức, cá nhân).
Việc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa đại lý và công ty bảo hiểm vốn chẳng phải chuyện xa lạ trên thị trường bảo hiểm từ khi các nhà bảo hiểm phát triển mạnh mô hình tổng đại lý hoặc tăng cường hợp tác với các tổ chức trong phân phối sản phẩm.
Có những mối hợp tác “đứt gánh giữa đường” vì sai phạm của đại lý tổ chức, nhưng có những trường hợp lại xuất phát từ việc đại lý đó không mang lại doanh thu như kỳ vọng, trong khi chất lượng khách hàng không đảm bảo, tỷ lệ trục lợi cao, chất lượng tư vấn yếu…
Ngay cả với các đại lý tổ chức là ngân hàng, vốn được coi là chất lượng hơn cả, nhưng vẫn phải bỏ nhau mà đi, buộc nhà bảo hiểm phải tìm đến nhà băng khác thế chân.
Trở lại với câu chuyện công ty bảo hiểm phi nhân thọ đòi chấm dứt hợp tác với đại lý tổ chức ở trên, mâu thuẫn giữa hai bên đang được giải quyết nội bộ, nhưng nếu danh tính các bên bị lan truyền ra ngoài sẽ khiến thị trường thêm quan ngại về chất lượng hoạt động của các đại lý tổ chức cũng như sự hạn chế trong quản lý hoạt động của các đại lý bảo hiểm.
Ðược biết, các đại lý bảo hiểm tổ chức hiện nay được cấp phép hoạt động bởi Sở Kế hoạch và Ðầu tư, chứ không được quản lý bởi cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Sau giai đoạn bùng nổ đại lý bảo hiểm tổ chức và thị trường xuất hiện nhiều tình huống hợp tác không tốt đẹp như mộng tưởng ban đầu của nhà bảo hiểm, nhiều công ty bảo hiểm đã có xu hướng kỹ càng hơn trong lựa chọn đại lý tổ chức.
“Chúng tôi cần một đại lý tổ chức chuyên nghiệp, ít thành viên cũng được nhưng phải “chất” và có những hợp đồng thật, khách hàng thật, chứ không phải là hợp đồng được bán theo kiểu người mua cũng đồng thời là đại lý, sau đó lại đi chiêu dụ người khác vào hệ thống để hưởng chính sách, thu nhập”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn cho biết.
Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ khác cũng bày tỏ: “Thay vì hợp tác với đại lý tổ chức, chúng tôi chọn cách định hướng đại lý bảo hiểm cá nhân của mình hoạt động thật chuyên nghiệp, chăm chút khách hàng tận tình. Vì đã có lúc chính họ khiến chúng tôi rơi vào cảnh mất kiểm soát, ảnh hưởng đến uy tín của chính mình. Mà bảo hiểm là bán niềm tin. Niềm tin mất, chúng tôi lấy gì để bán?”.
Thực tế cho thấy, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường có xu hướng bắt tay với các đại lý tổ chức. Còn với khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (chủ yếu là công ty nước ngoài với nhiều quy chuẩn), việc lựa chọn một công ty làm đại lý bảo hiểm không phải chuyện dễ dàng.
Bài học từ việc sở hữu các tổng đại lý, trong việc hợp tác với các đối tác kém hiệu quả trong quá khứ đã khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn không “chơi” với các công ty hoạt động theo mô hình đại lý tổ chức.
Các công ty ở quy mô tầm trung cũng thận trọng hơn. Với nhóm công ty bảo hiểm nhân thọ quy mô nhỏ, một số công ty cũng có phần “dễ dãi” trong tuyển chọn đại lý do chạy theo mục tiêu tăng doanh số.
Theo baohiemxahoi.gov.vn