Tại báo cáo “Hướng tới bảo hiểm y tế xã hội toàn dân tại Việt Nam: Đánh giá và lựa chọn”, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề xuất 4 cải cách để thực hiện thành công Đề án bảo hiểm, y tế toàn dân của Việt Nam.
Hướng tới bảo hiểm y tế xã hội toàn dân tại Việt Nam. Nguồn: internet
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân của Việt Nam, đưa ra những mục tiêu tiếp tục mở rộng diện bao phủ tới 70% năm 2015 và 80% năm 2020. Đề án cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chi trả trực tiếp của người dân trong tổng chi y tế xuống dưới 40% cho đến năm 2015.
Mặc dù có tiền đề tốt để thực hiện Đề án, nhưng để đạt mục tiêu đặt ra, WB cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Tỷ lệ tham gia còn thấp, kể cả ở những nhóm đối tượng bảo hiểm bắt buộc, như nhóm lao động chính thức, nhóm cận nghèo mặc dù Nhà nước đã tăng đáng kể mức trợ cấp mua bảo hiểm cho người cận nghèo.
Tuy được tổ chức thành một đơn vị chi trả duy nhất, nhưng hệ thống bảo hiểm y tế, xã hội của Việt Nam vẫn khá phân tán. Vẫn tồn tại tình trạng người nghèo trợ cấp cho người giàu, tỉnh nghèo gánh chi phí cho tỉnh giàu.
Bên cạnh đó, tình trạng tự chi trả vẫn khiến chi phí khám chữa bệnh ở mức cao. Đến năm 2010, khi gần 60% dân số đã tham gia bảo hiểm, thì tỷ lệ tự chi trả trên tổng chi tiêu cho y tế vẫn cao tới 57,6%. Tỷ lệ tự chi trả cao khiến các hộ gia đình phải đối mặt với nguy cơ mất cân đối tài chính và bị nghèo hóa do chi tiêu y tế cao.
Hơn nữa, các tính toán cho thấy, những nguồn tài chính bổ sung cần thiết để đạt được những mục tiêu lớn về bảo hiểm, y tế toàn dân, mà Việt Nam đã tự đặt ra sẽ cao hơn nhiều so với dự kiến nếu căn cứ trên các dự báo về GDP và nguồn thu.
Để đẩy nhanh tiến độ bao phủ bảo hiểm y tế, đảm bảo đạt tiến độ như mục tiêu nêu ra trong Đề án, WB cho rằng Việt Nam cần có lộ trình cải cách hoạt động bảo hiểm, y tế toàn dân. Cụ thể:
Thứ nhất, tăng bề rộng bao phủ của bảo hiểm. Tăng mức ngân sách chung dành cho trợ cấp mua bảo hiểm đối với đối tượng cận nghèo, lao động phi chính thức. Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế, cũng như đối tượng thụ hưởng. Khuyến khích tham gia mua bảo hiểm cho cả hộ gia đình. Tăng cường tuân thủ tham gia bảo hiểm ở nhóm bảo hiểm bắt buộc, đặc biệt là khối lao động chính thức.
Thứ hai, nâng cao công bằng và bảo đảm tài chính. Tiếp tục giảm hoặc xóa bỏ chế độ đồng chi trả đối với người nghèo và các đối tượng chính sách như người dân thiểu số. Có chế độ hỗ trợ cho những trường hợp chi phí y tế cao.
Thứ ba, củng cố các cơ chế tài chính của bảo hiểm y tế xã hội. Tạo thêm nguồn thu bằng cách sử dụng kinh phí thu được từ tăng thuế thuốc lá cho y tế và tăng dần mức đóng góp bảo hiểm. Xử lý những tồn tại phát sinh từ các cơ chế thanh toán cho cơ sở y tế hiện nay.
Thứ tư, củng cố công tác tổ chức, điều hành, quản lý của bảo hiểm y tế xã hội. Cần làm rõ các mục tiêu của bao phủ chăm sóc y tế toàn dân; điều chỉnh, xác định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị chủ chốt. Thành lập Ban chuyên trách về bảo hiểm y tế xã hội, cơ quan quản lý bảo hiểm y tế, xã hội. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước, ràng buộc trách nhiệm của bảo hiểm y tế, xã hội bằng cách làm rõ các cơ chế hạch toán kế toán, chế tài giải quyết tranh chấp.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo kinhtevadubao.com.vn)