Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú, buồng trứng

Đây là quyết định đưa ra sau khi nhiều bệnh nhân muốn chuyển bảo hiểm y tế đến 2 bệnh viện tuyên bố thực hiện thành công phương pháp này để điều trị.

Đó là Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã công bố áp dụng công nghệ tế bào gốc điều trị thành công ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Trường hợp nữ bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam (53 tuổi, Yên Thành, Nghệ An) được điều trị bằng phương pháp này khỏi ung thư vú. Tiền sử bệnh nhân mắc ung thư vú bên phải thể ống xâm nhập độ II. 

Cũng thời điểm cuối năm 2014, Bệnh viện Trung ương Huế cũng có những phát ngôn tương tự.

Bệnh nhân được Bệnh viện Trung ương Huế công bố khỏi ung thư buồng trứng bằng phương pháp tế bào gốc

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, bệnh viện công bố như vậy là sai về bản chất. Được biết, Bộ Y tế vừa họp với Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và thống nhất đi đến kết luận, những thông tin mà Bệnh viện công bố đã gây hiểu nhầm cho người bệnh và người dân.

Theo ông Quang, bản chất ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi mục đích là để điều trị suy tủy xương- đây là phác độ đã được Bộ Y tế cho phép. “Nếu bệnh viện công bố với người dân là ghép tế bào gốc mục đích là để điều trị suy tủy xương trên bệnh ung thư thì đúng phác đồ. Tuy nhiên, bệnh viện lại công bố lần đầu tiên sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh ung thư là sai về mặt bản chất. Hai việc này hoàn toàn khác nhau giữa hỗ trợ điều trị và có tác dụng trị bệnh”, ông Quang nói.

Quan điểm của Bộ Y tế là ủng hộ các bệnh viện nghiên cứu, phát triển kỹ thuật mới. Tuy nhiên nếu Bệnh viện muốn dùng tế bào để điều trị ung thư vú thì phải xây dựng đề tài khoa học chi tiết. Bộ Y tế sẽ có hội đồng thẩm định dựa trên khoa học, đạo đức và quyền lợi của người bệnh để xem có cho phép hay không vì đây là phương pháp mới.

“Chính sự nhập nhằng này khiến người dân hiểu sai. Vì rất nhiều người bệnh muốn chuyển về Nghệ An, Huế để chữa trị bằng cách ghép tế bào gốc. Trước mắt Bộ yêu cầu tạm dừng ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An ”, ông Quang chia sẻ.

Chung quan điểm này, GS. TS Nguyễn Bá Đức – nguyên GĐ Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, cho đến nay nền y học thế giới và VN chữa ung thư vẫn phải dựa vào những  phương pháp kinh điển gồm: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Ghép tế bào gốc điều trị ung thư không phải phương pháp mới. Tại Mỹ, đã áp dụng nghiên cứu và thử nghiệm 20 năm nay nhưng đến nay vẫn là phương pháp tiếp tục phải nghiên cứu chứ chưa đưa vào thường quy.  

GS Đức cũng nhấn mạnh, ghép tế bào gốc không phải để chữa ung thư mà phương pháp này chỉ để khắc phục các tác dụng phụ của hóa chất. Đó là khi bệnh nhân được điều trị hóa chất liều cao sẽ dẫn đến suy tủy. Với bệnh nhân ung thư vú, nếu ở trong giai đoạn đầu chỉ cần phẫu thuật, kết hợp điều trị hóa chất có thể kéo dài sự sống.

Trong khi đó, theo ông Quang người bệnh cứ mất thời gian chờ đợi để được ghép tế bào gốc thì có thể làm chậm hơn quá trình điều trị khiến bệnh càng nặng hơn. Chưa kể bệnh viện muốn công bố điều trị ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc khỏi thì cần có bằng chứng (thời gian theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật không tái phát thường sau 5 năm được coi là khỏi, chứ không thể chỉ sau mấy tháng  – PV). 

Tại nước ta, hiện Bộ Y tế mới chỉ cho phép ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc trung mô điều trị viêm khớp, thí điểm ghép tế bào gốc điều trị tim mạch… 

Vì thế, theo GS Đức, người bệnh không nên hiểu nhầm tế bào gốc tác động vào tế bào ung thư mà chỉ nên coi đây là biện pháp giúp phục hồi cơ thể, phục hồi dòng máu, tủy xương. Thay vào đó, vẫn cần phải dựa trên 3 phương pháp kinh điển kết hợp với chế độ dinh dưỡng và liệu pháp tinh thần. Điều quan trọng hơn cả, đó là cần giữ thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm những bất thường sức khỏe trong đó có căn bệnh ung thư.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo infonet.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.