Chiều 25-4, Bộ Y tế đã có buổi gặp mặt báo chí thông tin về vướng mắc trong thanh toán thuốc sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. |
Vừa qua, bảo hiểm xã hội (BHXH) dừng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với một số thuốc được sử dụng không phù hợp với chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc đã phê duyệt, dẫn đến tình trạng bệnh nhân đang điều trị không tiếp tục được thanh toán thuốc hoặc một số cơ sở KCB đã thanh toán thuốc cho người bệnh nhưng bị xuất toán, đã gây bức xúc trong dư luận. Về trường hợp này, TS. Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, vướng mắc hiện nay là có tình trạng các thuốc thương mại có cùng hoạt chất nhưng các nhà sản xuất khác nhau sẽ có các chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc khác nhau, trong khi việc đấu thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thực hiện theo tên hoạt chất. Các bác sĩ ngoài việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất (sau khi đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phê duyệt nội dung), còn sử dụng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, của cơ sở KCB, Dược thư Quốc gia hoặc các tài liệu y khoa khác như Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của WHO, của hiệp hội chuyên khoa quốc tế, tài liệu giảng dạy tại các trường y dược… Trong các tài liệu này, hầu hết thuốc được hướng dẫn sử dụng theo tên hoạt chất. Do đó, xảy ra tình trạng bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc (theo tên hoạt chất) phù hợp với Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, Dược thư Quốc gia nhưng có thể một số chỉ định không có trong nội dung chỉ định đã đăng ký (theo tên thương mại của từng công ty đăng ký với Cục Quản lý Dược). Ngoài ra, trong thực tế lâm sàng, nhiều trường hợp mặc dù không có trong chỉ định đã đăng ký của nhà sản xuất nhưng vẫn cần sử dụng thuốc cho người bệnh, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến tính mạng của người bệnh. Do đó, Bộ Y tế đã đưa ra phương án giải quyết, các cơ sở KCB, cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 40/2014/TT-BYT. Cơ sở KCB, các bác sĩ cần nắm rõ quy định để mua sắm, quản lý, lựa chọn thuốc và chỉ định hợp lý, cũng như thông tin để người bệnh biết. Bộ Y tế sẽ tổng hợp các vướng mắc cụ thể của cơ sở KCB về vấn đề sử dụng thuốc ngoài chỉ định đã đăng ký để giải quyết dựa trên các hướng dẫn điều trị chuẩn đã được Bộ Y tế ban hành, Dược thư Quốc gia, tài liệu chuyên môn và bằng chứng thực tiễn chứng minh tính phù hợp, sự cần thiết và hiệu quả trong điều trị. Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét từng trường hợp cụ thể để làm căn cứ thanh toán, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT. Cụ thể, đối với hai thuốc Mycophenolat và Tacrolimus mà báo chí phản ánh trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức họp với đại diện các vụ, cục, BHXH Việt Nam và cơ sở KCB. Trên cơ sở cuộc họp, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị BHXH TP Hồ Chí Minh tiếp tục thanh toán với hai thuốc trên. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có công văn chính thức chỉ đạo cụ thể để giải quyết vấn đề này. Đối với trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh, liên quan đến thuốc Cefepim mà báo chí phản ánh, đây là thuốc kháng sinh Cefalosporin thế hệ IV, có đánh dấu (*) trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư 40/2014/TT-BYT, là thuốc cần cân nhắc trước khi sử dụng, thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc, cũng như việc lạm dụng thuốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế không có quy định yêu cầu cần làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng Cefepim. TS Hà Văn Thúy cho biết thêm, theo Thông tư 40, bệnh viện phải chịu trách nhiệm cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân. Nếu vì lý do khách quan mà thiếu thuốc, bệnh viện sẽ có ba phương án giải quyết: vay của các nhà cung cấp thuốc để điều trị cho bệnh nhân; chuyển bệnh nhân đi bệnh viện khác hoặc sử dụng cơ chế thanh toán trực tiếp với BHYT theo hóa đơn mua và bệnh viện sẽ cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ liên quan cho BHXH. Tuy nhiên, BHYT chỉ thanh toán (cho bệnh nhân hoặc bệnh viện) theo giá thuốc bệnh viện đã thắng thầu, nên nếu người bệnh mua giá cao hơn giá trúng thầu tại bệnh viện thì cơ quan BHXH sẽ xử lý từng trường hợp cụ thể. |
theo nhandan.com.vn