Để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh sau khi tăng viện phí, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra chỉ thị không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) khi khám bệnh. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi các bệnh viện lo ngại về tình trạng bệnh nhân trốn viện phí.
Lo bệnh nhân “bùng” viện phí
Lâu nay, người bệnh phải mất khá nhiều thời gian ở khâu đóng tiền khi đi khám bệnh, dù có thẻ BHYT vẫn phải đóng tiền tạm ứng trước khám và sau mỗi lần được chỉ định xét nghiệm. Thủ tục này được xem là một trong những nguyên nhân làm tăng thời gian chờ đợi khám bệnh của người dân. Để giảm thủ tục hành chính và tăng chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 29/3/2016, yêu cầu các bệnh viện không thu tạm ứng của người bệnh có BHYT.
Chị Đặng Thị Thảo, quận 1, TP Hồ Chí Minh hồ hởi chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần tôi đưa người nhà đi khám bệnh phải chạy tới chạy lui rất nhiều chỗ để đóng tiền mới được khám bệnh, vừa mất thời gian, vừa mệt. Giờ có Chỉ thị 06 của Bộ Y tế thì tốt quá, người bệnh chúng tôi sẽ bớt phải chờ đợi, bớt ngại khi đi khám bệnh, tránh được tình trạng bệnh nặng mới dám tới bệnh viện để khám”.
Bỏ tạm ứng viện phí sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Ảnh: Đan Phương |
Trái ngược với sự hào hứng của người bệnh, đa số các bệnh viện đều tỏ ra lo lắng về nguy cơ bệnh nhân trốn viện, không đóng viện phí và gây thất thoát cho bệnh viện. Trong buổi làm việc với Bộ Y tế vào giữa tháng 5 vừa qua, đại diện Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, kể từ khi bệnh viện bỏ tạm ứng viện phí đối với người khám bệnh BHYT, dù bệnh viện tỉnh Bà Rịa đã giữ thẻ BHYT của bệnh nhân nhưng rất nhiều người sau khi khám xong đã trốn viện mà không thanh toán cho bệnh viện.
BS Cù Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cũng tỏ ra lo lắng, bởi bệnh viện này cũng từng gặp trường hợp bệnh nhân trốn thanh toán viện phí. BS Cù Tiến Dũng chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng hơn 300 lượt khám bệnh, trong đó chủ yếu là người tham gia BHYT. Nếu không thu tạm ứng đối với bệnh nhân khám BHYT thì khó tránh được tình trạng bệnh nhân trốn viện phí. Tại bệnh viện cũng từng xảy ra tình trạng này và bệnh viện phải ứng tiền ra để thanh toán cho BHYT”.
BS Dũng cho biết thêm, hiện bệnh viện cũng chỉ có giải pháp là giữ thẻ BHYT của người bệnh lại đến hết đợt khám và điều trị. Còn đối với những bệnh nhân điều trị nội trú, bên cạnh giữ thẻ BHYT, bệnh viện cũng thu viện phí bổ sung theo đợt, từ 2 -3 ngày thu một lần.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cũng cho biết: Bệnh viện Việt Đức không thể thực hiện được quy định không tạm thu của Bộ Y tế. Khác với các bệnh viện tuyến dưới, những nơi nhận đăng ký thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu, Việt Đức là bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành về ngoại khoa, thường tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nặng ở các tỉnh về. Nếu không tạm thu viện phí, bệnh viện không biết tìm bệnh nhân đâu để hoàn phí, thất thoát sẽ rất lớn.Vậy nên, đến nay, Bệnh viện Việt Đức vẫn thực hiện tạm thu với người bệnh BHYT. Trong trường hợp đặc biệt, bệnh viện vẫn giải quyết, tiếp nhận khám chữa bệnh cho những bệnh nhân chưa đóng tạm thu.
Trốn viện, sẽ cắt hợp đồng BHYT?
Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, tại Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 23/4/2013 Bộ Y tế đã quy định rõ các bệnh viện phải đơn giản hóa thủ tục liên quan đến chi trả và đồng chi trả viện phí, tránh nộp viện phí nhiều lần. Bệnh viện chỉ thu tiền tạm ứng đối với những trường hợp người bệnh vượt tuyến, trái tuyến, người bệnh có nguyện vọng khám, chữa bệnh theo yêu cầu (theo quy định cụ thể của bệnh viện).
Chỉ thị 06 mới đây cũng đã ghi rõ “Không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh BHYT khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ, trừ các chi phí chưa tính vào giá dịch vụ và phần đồng chi trả của người bệnh có BHYT theo quy định hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm Xã hội và giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu”. Do đó, các bệnh viện phải thực hiện đúng theo quy định này để tạo thuận lợi cho người bệnh khi khám bệnh ngoại trú.
Nếu diễn ra tình trạng bệnh nhân không đóng viện phí, các bệnh viện cần tập hợp danh sách, gửi thông báo về chính quyền địa phương và cơ quan BHXH địa phương để giải quyết, thậm chí cắt hợp đồng BHYT. Đối với những trường hợp số tiền viện phí lớn, các bệnh viện có thể phối hợp với cơ quan công an để xử lý.
“Trên thực tế, tình trạng trốn viện, bỏ thẻ BHYT, không đóng viện phí thường diễn ra vào tháng cuối cùng trong năm nên trong thời gian này, bệnh viện cũng có thể yêu cầu người bệnh BHYT đóng tạm ứng, nhằm hạn chế thất thu cho bệnh viện”, ThS Nguyễn Trọng Khoa đề nghị.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baotintuc.vn)