Bỏ qua bảo hiểm y tế, mất tiền cũng vượt tuyến trên

Dù đã làm công tác phân tuyến rõ ràng, song nhiều người bệnh vẫn bỏ qua bảo hiểm y tế, chấp nhận “thà mất tiền để mua yên tâm”.

Quê ở Vĩnh Phúc, khi con bị ốm sốt, chị Châu vẫn lách cách bắt xe lên bệnh viện Nhi Trung ương để khám bệnh cho con. Chị tâm sự: “Biết là khi vượt tuyến thế này mình sẽ chẳng được chi trả viện phí nhưng tôi vẫn an tâm hơn khi cho con khám ở đây. Tôi vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng chất lượng khám chữa bệnh ở quê tôi. Khám tuyến dưới cũng mất thời gian mà chắc gì đã tìm ra bệnh, mất công khám bệnh thì lên thẳng bệnh viện tuyến trên khám luôn cho yên tâm”.
Không chỉ chị Châu mà rất nhiều phụ huynh ở tỉnh thành lân cận cũng đổ về Hà Nội khám chỉ vì “yên tâm”. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân cho biết, phải lên tuyến trên điều trị vì cùng một loại bệnh nhưng ở tuyến dưới bác sỹ chỉ cấp cho một vài loại thuốc bảo hiểm y tế đơn giản, trong khi đó lên tuyến trên thì bảo hiểm y tế thanh toán cho nhiều loại thuốc “xịn” hơn. 
bệnh viện
Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, nhiều đối tượng sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Tuy vậy cũng kể từ thời điểm này, quỹ BHYT sẽ không chi trả đối với người khám bệnh vượt tuyến tỉnh và trung ương.
Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, quyền lợi bảo hiểm y tếcủa người dân sẽ được mở rộng. Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.
Một trong những điểm mới mà người bệnh cần lưu ý là khi đi khám bệnh vượt tuyến ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương người bệnh sẽ phải tự chi trả.
Chị Thanh (Nam Định) cho hay, trước đây khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí tương đương với bệnh hạng bệnh viện. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2015, khi vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% khi nằm viện điều trị nội trú; người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán. Biết là vậy song để yên tâm, chị vẫn cho con mình lên bệnh viện lớn để khám. Chị tâm sự: “Nếu thuốc ở đâu cũng như nhau và bác sỹ giỏi như nhau chúng tôi sẽ chẳng vượt tuyến để làm gì”. 
Tương tự khi vượt tuyến tỉnh, mức hưởng sẽ là 60% chi phí, chỉ áp dụng với điều trị nội trú. Với tuyến huyện, mức hưởng trong năm 2015 sẽ là 70% chi phí khám, chữa bệnh. 
bệnh viện
Chị tâm sự: “Tôi thấy bảo hiểm y tế khá rắc rối, chế độ có bảo hiểm song chả mấy khi dùng, bảo hiểm chỉ có tác dụng khi ở địa bàn sinh sống song thực chất chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới tôi chưa an tâm. Vậy là dù mình có bỏ tiền ra để có bảo hiểm song hoàn toàn công cốc”. 
Nhiều người cho rằng, biện pháp quản lý bệnh nhân ở tuyến dưới sẽ khiến tình trạng quá tải ở tuyến trên sẽ giảm nhưng hóa ra không phải vậy. Dù không được dùng bảo hiểm y tế song nhiều người vẫn sẵn sàng chi trả để được khám ở nơi có độ tin cậy cao.  
Dường như luật Bảo hiểm y tế mới vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người. Chị Bắc (Thanh Hóa) khám vượt tuyến vẫn ngỡ ngàng với quy định này, chị ngạc nhiên khi nhân viên bệnh viện cho hay con chị sẽ không được BHYT thanh toán vì không có giấy chuyển tuyến. 
Con anh Dương Tú (Bắc Giang) mới được nội soi dạ dày tại Bệnh viện Nhi. Phải đến lúc đi tính tiền khám cho con, anh mới biết quy định mới về khám bệnh ngoại trú vượt tuyến. Thế nhưng, theo anh, xin được giấy chuyển tuyến để được thanh toán chi phí khám bệnh theo luật mới là một việc khó khăn: “Mấy lần trước, để xin giấy chuyển tuyến cho con, tôi phải đi từ trạm y tế xã lên bệnh viện huyện, rồi từ bệnh viện huyện lên bệnh việnlớn. Đi mất mấy buổi chưa xong. Tiền công và tiền xăng xe cũng quá tiền khám bệnh cho con”.
Nhắc tới bảo hiểm y tế, nhiều bậc phụ huynh tỏ vẻ ái ngại không sử dụng vì cảm thấy rườm rà trong thủ tục, giấy tờ, phải chờ đợi lâu, chất lượng dịch vụ không bằng khám chữa bệnh theo yêu cầu. 
Anh Vũ Toàn (Liễu Giai, Hà Nội) cho biết, con anh 3 tuổi, đã có thời điểm anh dùng thẻ bảo hiểm để đưa con đi khám ở tuyến phường gần nhà nhưng vì thấy không an tâm, nên anh quyết định cho bé khám tự nguyện hoặc ra những bệnh viện tư nhân để khám chữa. 
bệnh viện
Một trường hợp khác, chị Nhân (Khương Trung, Hà Nội) cho biết, con chị sinh vào tháng 2-2009, đến tháng 2-2015 thì thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi hết hạn sử dụng, trong khi đó con chị lại chưa đủ tuổi để vào lớp 1. Tháng 4 vừa rồi, bé bị ốm và phải đi khám, chữa bệnh gặp khá nhiều khó khăn. Chị đưa ra thẻ bảo hiểm y tế cũ, nhưng không được thanh toán viện phí. Chị bảo, bác sĩ nói phải dùng loại bảo hiểm y tế mới thì mới được giảm tiền. 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cụ thể, tại khoản 3, Điều 16 quy định: Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó. Theo đó, nếu bé tròn 72 tháng tuổi vào tháng 2 – 2015 thì vẫn được sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh đến hết ngày 30 -9 -2015 và không phải đóng BHYT.
Về quyền lợi, trường hợp nếu trẻ dưới 6 tuổi nhưng chưa được cấp thẻ BHYT, nếu có phát sinh chi phí khám chữa bệnh trong giai đoạn dưới 72 tháng tuổi hoặc trước ngày 30-9 của năm đủ 6 tuổi vẫn được thanh toán chi phí điều trị.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo afamily.vn)
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.