ANTĐ – Tại cuộc hội thảo “Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, với mức lương người lao động nhận được khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, thì sống ở Hà Nội và TP.HCM còn gặp khó khăn. Bởi vậy, Chính phủ vẫn kiên trì lộ trình tăng lương tối thiểu vào năm 2017.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tiền lương có đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người lao động hay không sẽ quyết định người dân có nuôi được gia đình hay không và có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và con cái họ hay không. Hiện nay, mức lương tối thiểu để các doanh nghiệp dùng làm cơ sở chi trả lương cho người lao động Việt Nam vẫn nằm dưới mức sống tối thiểu.
Theo lộ trình đã định, năm 2017 sẽ tăng lương tối thiểu vùng bằng mức sống tối thiểu, song ý kiến từ phía các doanh nghiệp lại đề nghị lùi đến năm 2018. Trong khi đó, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Hội đồng tiền lương quốc gia đã tính toán và đề nghị đến năm 2015 cần tăng lương tối thiểu vùng thêm 15%, tương đương mức tăng khoảng 300.000-400.000 đồng. Vì để đảm bảo được lộ trình đến năm 2017 lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu, thì mỗi năm cần tăng lương tới 18-19%, còn nếu để lộ trình chậm đến năm 2018 thì mỗi năm mức tăng còn cao hơn nữa.
Hơn nữa, việc lựa chọn giữa hai phương án lộ trình tăng lương năm 2017 hay năm 2018, còn phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế. Và, việc tăng lương tối thiểu cần tiến hành song song với thực hiện yêu cầu tăng năng suất lao động. Với phương án 1, doanh nghiệp “chịu đựng” được thì lộ trình tăng lương tối thiểu vào năm 2017 là tốt nhất. Chính phủ kiên trì lộ trình tăng lương tối thiểu, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải lập kế hoạch giám sát chặt chẽ vấn đề tiền lương, giám sát trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động, không để doanh nghiệp chây ỳ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Nếu không thực hiện nghiêm, thì tăng lương chỉ là “bịt lỗ hà ra lỗ hổng”, thực chất người lao động không được hưởng bao nhiêu. Hiện tại, các doanh nghiệp nợ 3 loại bảo hiểm lên tới 12.000 tỷ đồng và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là phải nhanh chóng bịt lỗ hổng này.