Bị cho là hoạt động đa cấp, các đại lý bảo hiểm tổ chức nói gì?

Thị trường bảo hiểm thời gian qua liên tục xuất hiện nhiều công ty đăng ký hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm (đại lý tổ chức), có thể mở mang thêm các kênh phân phối, nhưng cũng đã đặt ra những quan ngại nhất định.

Đại lý tổ chức, cần thiết nhưng còn nhiều băn khoăn

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư chứng khoán từ các công ty bảo hiểm, đại lý cá nhân, chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhân thọ, ngoài những đại lý bảo hiểm tâm huyết, trách nhiệm với nghề, vẫn còn nhiều đại lý cả tổ chức, cá nhân và bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) hoạt động theo tư duy ngắn hạn, chộp giật và khó kiểm soát.

Nguyên nhân chính là do áp lực doanh số, áp lực tuyển dụng đại lý mới, trong khi nhiều công ty bảo hiểm lơ là với công tác đào tạo.

Hiện nay, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều đại lý tổ chức mới như Công ty TNHH Insulife Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển hợp danh Active Life, Công ty cổ phần Best Life, Công ty cổ phần BRICS Việt Nam, Công ty cổ phần Thế giới bảo hiểm Insurword, Công ty cổ phần Dịch vụ Vietlife, Công ty cổ phần Quốc tế VSlife, Công ty TNHH Gia Khánh Hồng Bàng, hay trước đó là Công ty cổ phần TC Advisors…
Có thể nói, sự xuất hiện của các đại lý bảo hiểm tổ chức là khó cấm cản và phải nhìn nhận rằng, các đại lý tổ chức này góp phần giúp thị trường bảo hiểm đa dạng hơn, giúp đưa sản phẩm bảo hiểm đến với nhiều người dân hơn. Bởi ngoài các hợp tác độc quyền, thì mô hình đại lý tổ chức được xem như mô hình bảo hiểm không độc quyền.

Tuy nhiên, trong số các đại lý bảo hiểm tổ chức mới xuất hiện trên thị trường, có nhiều “tay ngang” hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, bất động sản, giải trí… Thậm chí, có một số đại lý bảo hiểm tổ chức hoạt động có dấu hiệu bán bảo hiểm nhân thọ theo phương thức đa cấp, đã đặt ra những quan ngại nhất định cho thị trường.

Hiện các kênh phân phối bảo hiểm chủ yếu thông qua các loại hình như đại lý tư vấn bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm; đại lý tư vấn của các tổng đại lý bảo hiểm; nhân viên giao dịch tại các ngân hàng có liên kết bảo hiểm; mô hình đại lý tổ chức.

Ngoài ra, sự xuất hiện ngày một nhiều tổ chức đại lý có thể khiến thị trường phát sinh những vấn đề mới như: tình trạng “săn” người từ kênh đại lý truyền thống; tỷ lệ duy trì hợp đồng từ năm thứ hai trở đi dự báo ở mức thấp, phá bỏ tính chất đóng phí thường niên của bảo hiểm nhân thọ; đại lý tổ chức hình thành mô hình kim tự tháp, trong đó người tham gia mạng lưới của đại lý tổ chức sẽ phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để lấy quyền gia nhập mạng lưới; chất lượng tư vấn của thành viên đại lý tổ chức khó đảm bảo; hay đại lý tổ chức ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác nhau…Các đại lý tổ chức nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một số đại lý tổ chức cho rằng, mô hình này còn khá mới mẻ ở Việt Nam và hiện nhiều người dân vẫn chưa thể phân biệt được sự khác nhau giữa mô hình tổ chức đại lý bảo hiểm với các mô hình kênh phân phối truyền thống, thậm chí còn đánh đồng mô hình này với phương thức bán hàng đa cấp hoặc môi giới bảo hiểm (một loại hình phải được cấp phép mới được phép hoạt động ở Việt Nam).

Dù được thành lập bởi 1 chuyên gia bảo hiểm lâu năm trong ngành là ông Nguyễn Đức Thắng (giữ chức Chủ tịch Công ty), nhưng việc Công ty cổ phần Sứ Giả Bình An không ký thỏa thuận hợp tác trực tiếp với các công ty bảo hiểm nhân thọ, mà chỉ ký kết với một số các văn phòng đại lý, đơn vị thành viên trực thuộc của công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó có Bảo hiểm Bảo Việt, các văn phòng tổng đại lý đến từ Generali, AIA, Sun Life, Dai-ich Life, khiến thị trường băn khoăn về tư cách bán bảo hiểm của công ty này.

Bởi theo Điều 84, Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định.

Nghĩa là, hợp đồng đại lý bảo hiểm là hợp đồng ủy quyền; bên giao ủy quyền là doanh nghiệp bảo hiểm, chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm mới có quyền ký hợp đồng đại lý bảo hiểm với cá nhân/ tổ chức. Những cá nhân, tổ chức đang làm cho đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thể ủy quyền lại công việc đại lý bảo hiểm cho bất cứ bên thứ ba nào khác. Tức là, không có chuyện gọi là “đại lý của đại lý”.

Về những băn khoăn này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Thắng khẳng định, Công ty chỉ làm đại lý bảo hiểm mảng phi nhân thọ (ở đây là Bảo hiểm Bảo Việt), còn với các sản phẩm bảo hiểm của khối nhân thọ, Công ty chỉ giới thiệu khách hàng cho các tổng đại lý, đại lý của công ty bảo hiểm đó.

“Chúng tôi chỉ hoạt động đại lý phi nhân thọ. Chúng tôi không làm đại lý cho khối bảo hiểm nhân thọ, do đó không tuyển đại lý bán bảo hiểm, chỉ giới thiệu khách hàng”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Công ty cổ phần BRICS Việt Nam, đơn vị được cho là hoạt động theo mô hình đa cấp khẳng định, Công ty không kinh doanh theo hình thức đa cấp, mà chỉ kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiểm.

“Hoạt động đại lý bảo hiểm là hoạt động kinh doanh đặc thù với các đặc điểm có thể bị nhầm lẫn với kinh doanh đa cấp, chẳng hạn như hoạt động đại lý bảo hiểm thông qua các đại lý bảo hiểm cá nhân; có hệ thống cấp bậc đại lý phụ thuộc vào doanh số.

Tuy nhiên, khác với kinh doanh theo hình thức đa cấp, hoạt động đại lý bảo hiểm được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan nhà nước và hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Chẳng hạn, cá nhân phải được đào tạo và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm và được cấp mã số đại lý bảo hiểm cá nhân khi tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm”, đại diện BRICS nói.

Cũng theo BRICS, đại lý sẽ nhận được hoa hồng do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả theo quy định về thù lao và hoa hồng tại Thông tư 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 15/5/2017.

Trong khi đó, với Best Life, trước những băn khoăn về bảng thu nhập hình tháp có in logo của Best Life và được cho là do người của Công ty thiết kế (Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh trong bài Làm rõ nghi vấn đa cấp trong kinh doanh bảo hiểm), ông Cao Bá Cảnh, Tổng giám đốc Best Life cho biết, thù lao của các thành viên được xét tuyển dựa trên việc tích lũy điểm hoạt động và việc đào tạo ra đội ngũ kế cận đạt tiêu chuẩn mà chính sách đề ra.

Công ty sẽ từ chối chi trả đầy đủ nếu thành viên vi phạm các tiêu chuẩn như chưa phải là tư vấn viên, chưa qua đào tạo, chưa qua học và chưa nhận code của Bộ Tài chính quy định về người tư vấn sản phẩm bảo hiểm.

“Các thành viên cũng không được thu tiền của người mua bảo hiểm, mà người mua phải chuyển tiền trực tiếp về công ty bảo hiểm khi họ ký hợp đồng. Các trường hợp cố tình lợi dụng thương hiệu của Best Life, nhân danh Best Life để thực hiện các mục đích cá nhân, gây ảnh hưởng tới khách hàng, tới Best Life, vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm sẽ bị xử phạt theo từng cấp độ khác nhau”, ông Cảnh nói.

Một số đại lý tổ chức cũng cho biết, họ đang vận hành bộ máy dựa trên Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 242/QĐ-TTG ngày 28/2/2019.

Theo đề án này, đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0, vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa đơn giản trong thẩm định và chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng sử dụng công nghệ cao, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp bảo hiểm, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tương ứng.

“Chúng tôi đang vận dụng tối đa công nghệ mới quản lý kinh doanh, áp dụng hệ thống tiếp thị liên kết để phát triển thị trường và ứng dụng đào tạo cho đội ngũ kinh doanh. Chúng tôi cũng đang làm việc với các đối tác của Nhật Bản để giúp khách hàng có được dịch vụ mang tính công nghệ cao của, khắc phục được khiếm khuyết của thị trường đó là “tam sao thất bản”- lưu giữ đoạn hội thoại về tư vấn giữa đại lý bảo hiểm với khách hàng, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tương ứng sau này”, ông Cảnh nói.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.