Thông qua Hội nghị Cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 4/2018 do BHXH Việt Nam tổ chức sáng 27/4/2018 tại Hà Nội, nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm đã được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, các bộ, ngành liên quan thông tin kịp thời tới phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 4/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,75 triệu người, BHXH tự nguyện là 240 nghìn người, BH thất nghiệp là 11,6 triệu người; BHYT là 80,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.
Trong tháng 4/2018, toàn Ngành thu 27.909 tỷ đồng, giải quyết các chế độ BHXH cho hơn 1,1 triệu lượt người, cả nước có khoảng 15,6 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT, phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 52.662 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.386 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề, toàn Ngành thực hiện chi BHXH, BHYT, BHTN 25.086 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 4/2018 toàn Ngành thu 96.747 tỷ đồng, giải quyết các chế độ BHXH cho hơn 3,3 triệu lượt người, có trên 55 triệu lượt người KCB BHYT, giải quyết cho 133.730 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 8.731 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề, số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn Ngành là 93.366 tỷ đồng…
Tính đến 24/4/2018, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt KCB BHYT; chi phí đề nghị thanh toán là 26.120 tỷ đồng, tăng 19,21% so với cùng kỳ năm 2017. Chi phí KCB tăng cao nhất tại tuyến tỉnh với 1.999 tỷ đồng, tăng 19,74%. Tỷ lệ điều trị nội trú chung toàn quốc là 8,6%, các tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú cao hơn tỷ lệ chung là: Phú Thọ (17,72%), Hà Giang (17,46%), Thanh Hóa (16,5%), Sơn La (16,46%), Vĩnh Phúc (16,19%). Chi phí ngày giường điều trị trong quý 1/2018 là 3.711 tỷ đồng, tăng 928 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017; một số tỉnh có chi phí tiền giường cao là: Thừa Thiên Huế 90,6 tỷ đồng (tăng 46,32%), Quảng Bình 41,8 tỷ đồng (tăng 24,35%), Sơn La 45 tỷ đồng (tăng 16,52%). Trong tháng 4/2018, đã có bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả số tiền lớn nhất từ trước đến nay cho 01 đợt điều trị (hơn 1,390 tỷ đồng do điều trị sơ gan tại Bệnh viện Bạch Mai).
Tính đến hết tháng 3/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn Ngành là 943 đơn vị, trong đó: 443 đơn vị được thanh tra chuyên ngành, 348 đơn vị được thanh tra, kiểm tra liên ngành và 152 đơn vị được kiểm tra. Qua thực hiện thanh tra đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, toàn Ngành đã phát hiện 1.487 lao động chưa được đóng hoặc đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền truy đóng là hơn 6,5 tỷ đồng; 33 lao động đã được đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian với số tiền thoái thu, hoàn trả là gần 230 triệu đồng. Các đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 67 đơn vị; đã ban hành 65 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số tiền xử phạt phải thu là hơn 2 tỷ đồng, trong đó đã thu được 567 triệu đồng.
Cũng trong tháng 4/2018, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc trả sổ BHXH cho người lao động; hoàn thiện việc cấp, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH đã được đồng bộ với dữ liệu hộ gia đình; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định 636/QĐ-BHXH và Quyết định 828/QĐ-BHXH trong giải quyết hưởng và chi trả các chế độ BHXH, BHTN theo hướng liên thông với dữ liệu thu, sổ thẻ trên cơ sở dữ liệu tập trung; điều chỉnh và triển khai bộ công cụ tập trung dữ liệu Quản lý thu theo Quyết định 595/QĐ-BHXH; bộ công cụ tập trung dữ liệu chính sách BHXH tại Trung ương và địa phương; điều chỉnh và triển khai Hệ thống giao dịch điện tử theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cấp cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT theo Quyết định 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ Y tế; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam về các lĩnh vực thu, cấp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHYT; rà soát đơn giản hóa chế độ báo cáo, các quy trình nghiệp vụ của ngành BHXH.
Tại Hội nghị, các câu hỏi của phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí về các vấn đề: Chi phí ngày giường điều trị; quy định về thời gian và cách tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; biện pháp thông báo cho người lao động khi chủ sử dụng lao động nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thông tin, thời hạn sử dụng của thẻ BHYT; vấn đề cầm cố sổ BHXH; công tác thanh tra, khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… đã được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan giải đáp đầy đủ, kịp thời.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cảm ơn phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã luôn đồng hành cùng ngành BHXH trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tới các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là các bài viết, phóng sự có tính phát hiện, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT giúp cho cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng kịp thời xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh, BHXH Việt Nam luôn chủ động cung cấp các thông tin về tình hình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tới phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng mong rằng, các đồng chí phóng viên, biên tập viên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với BHXH Việt Nam, tích cực trao đổi, đặt câu hỏi về các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm để BHXH Việt Nam và các cơ quan có liên quan kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, tránh những thông tin gây dư luận tiêu cực, làm sai lệch đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn