Năm 2014, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật quan trọng về an sinh xã hội, đó là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH (sửa đổi). Bước sang năm Bính Thân 2016, nhân dịp 1 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH (sửa đổi) bắt đầu có liệu lực thi hành; Trang tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh nội dung triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
PV: Trên cương vị là lãnh đạo của cơ quan giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có BHXH, BHYT, ông có những đánh giá gì về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH trong năm vừa qua?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội TS. Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói, năm 2015 là một năm có nhiều dấu ấn đối với ngành BHXH, đánh dấu chặng đường 20 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm lo về an sinh xã hội cho người dân được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho ngành và đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn đổi mới theo quan điểm, mục tiêu của Đảng và Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.
Nhìn lại năm 2015, tuy nền kinh tế của đất nước đã có chuyển biến tích cực so với năm 2014, nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động còn lớn đã tác động trực tiếp đến việc thu, chi, tình hình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT. Vượt qua những khó khăn, thử thách, ngành BHXH đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Điểm sáng nỗi bật năm 2015 là BHXH Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, giảm nhanh thời gian giao dịch với doanh nghiệp và các cơ quan từ hơn 200 giờ xuống còn 49,5 giờ, đẩy nhanh việc triển khai các giao dịch điện tử về BHXH nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong việc tham gia BHXH, BHYT.
PV: Là người nhiều năm gắn bó với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xin ông cho biết những khó khăn của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT hiện nay thưa ông?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội TS. Bùi Sỹ Lợi: BHXH Việt Nam hiện đang đứng trước những cơ hội, điều kiện thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trước hết là yêu cầu đổi mới ngành để đáp ứng mục tiêu mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH, BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi doanh nghiệp, người lao động và nhân dân phải đồng thuận cao và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật (hiện nay, mức độ tuân thủ tham gia BHXH bắt buộc chỉ đạt 60-70% so với quy định của pháp luật). Bên cạnh đó, nhà nước có cơ chế, chính sách tạo cơ hội, điều kiện và hỗ trợ cho người lao động là nông dân và khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị và trung ương để có thể đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia BHTN và 80% dân số tham gia BHYT. Đây là một thách thức lớn đòi hỏi phải có một lộ trình thực hiện chặt chẽ và quyết tâm chính trị rất cao, do vậy, Chính phủ cần sớm xây dựng lộ trình phấn đấu thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong phạm vi cả nước và từng địa phương như đối với việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT giai đoạn 2015 – 2020 theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2015. Theo dự báo, năm 2020, lực lượng lao động có khoảng 60 triệu người và mục tiêu bao phủ số người tham gia BHXH là khoảng 30 triệu, nhưng quỹ thời gian chỉ còn 4 năm để đạt được mục tiêu thì mỗi năm cần mở rộng thêm khoảng 3,8 triệu người tham gia vào 2 loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện. Đây là thách thức lớn cho cả cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương và cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH Việt Nam.
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh cũng là thách thức, và là mục tiêu trọng tâm của việc hoạch định chính sách trong thời gian tới, và nó đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể với từng loại hình BHXH. Với bảo hiểm hưu trí, đó là yêu cầu về tiếp tục cải thiện mức lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già, tính bền vững của hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam trong dài hạn. Với BHYT, đó là tăng độ bao phủ, đảm bảo BHYT toàn dân, thực hiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong khi tỷ lệ bao phủ bình quân cả nước gần 76% thì vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu đã gây nên tình trạng quá tải, chờ đợi lâu ở các bệnh viện tuyến trên; tinh thần thái độ và y đức của cán bộ y tế chậm được cải thiện, ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền, vận động mở rộng và phát triển đối tượng. Các hình thức lạm dụng quỹ, nhất là tại các bệnh viện ngày càng phức tạp…
Thứ hai, ngành BHXH được giao trọng trách chăm lo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc cung cấp dịch vụ công, do vậy, một trong các thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả dịch vụ là sự hài lòng của người dân. Tôi chia sẻ với những khó khăn của ngành trong việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người dân về BHXH, BHYT và nhiều khi một bộ phận không nhỏ người dân cũng chưa hiểu hết về nhiệm vụ của ngành nên thường bức xúc trong việc kiến nghị, yêu cầu cơ quan BHXH giải quyết về tăng lương hưu, tăng tỷ lệ, mức đóng BHXH, BHYT… trong khi cơ quan BHXH chỉ là chấp hành chính sách, pháp luật, không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề này. Tuy nhiên, ngành BHXH cũng cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong việc nâng cao uy tín, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
PV: Bước sang năm Bính Thân 2016, theo ông thì ngành BHXH cần có những nỗ lực gì để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội TS. Bùi Sỹ Lợi: Năm 2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã thực hiện được 1 năm, Luật BHXH (sửa đổi) sẻ có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm. Với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội quan trọng đòi hỏi toàn ngành BHXH cần nỗ lực thực hiện các giải pháp cơ bản sau: Trước hết, phải xác định công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài nhưng không ít khó khăn. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế phối hợp với các ngành hữu quan và chính quyền địa phương để hoàn thành chỉ tiêu mở rộng đối tượng tham gia hằng năm, theo dõi, quản lý tốt các đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách. Thứ hai, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật gắn với các chỉ tiêu, mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Thứ ba, triển khai thực hiện tốt chức năng thanh tra thu BHXH, BHYT, BHTN đã được Quốc hội giao cho ngành theo quy định tại Luật BHXH, chú trọng đến công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra, góp phần làm giảm nhanh, hiệu quả các trường hợp trốn đóng, nợ đọng, gian lận, giả mạo hồ sơ BHXH, BHTN, BHYT để trục lợi quỹ… Thứ tư, là cơ quan cung ứng dịch vụ công thiết yếu cho người dân, cơ quan BHXH cần đổi mới mạnh mẽ cách thức phục vụ để nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với toàn ngành thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ các nhu cầu của nhân dân nhanh chóng, thuận lợi, chu đáo, tận tình, công khai, minh bạch. Cuối cùng, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, hơn lúc nào hết, BHXH Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, trình độ chuyên môn, tận tụy với công việc và đạo đức nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo đảm ASXH của đất nước./.