Sáng 23/3, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) về việc tích hợp dấu vân tay trong thẻ An sinh xã hội (ASXH) điện tử.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết: Thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử và Nghị định 166/2016/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHXH Việt Nam đang ưu tiên tập trung triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT để hiện đại hóa Ngành, trong đó có việc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Thế giới triển khai dự án Hiện đại hóa BHXH Việt Nam. Mục tiêu chính của Dự án hướng tới việc cấp thẻ an sinh xã hội điện tử có tích hợp vân tay để nhận dạng chủ thẻ, chống lạm dụng trong chi trả các chế độ an sinh xã hội.
So sánh giữa thẻ điện tử và thẻ giấy, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, từ năm 1992, thẻ BHYT được in trên giấy, khi đi khám bệnh kèm theo giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, thẻ đảng viên, thẻ hưu trí) và rất khó bảo quản. Nhiều nước hiện không còn dùng thẻ BHYT giấy do có nhiều hạn chế trong công tác quản lý. Do đó, dự án hiện đại hóa ngành BHXH sẽ đầu tư xây dựng, phát cho người dân thẻ ASXH tích hợp; và xuất phát từ mục tiêu đơn giản là chuyển đổi từ thẻ giấy sang thẻ mềm (có thể chất liệu nhựa), nhưng trên thẻ đó sẽ có chíp tích hợp đủ 6 trụ cột an sinh xã hội (BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trợ giúp xã hội, chính sách NCC, giảm nghèo) để người dân sử dụng, qua đó kiểm soát được đối tượng thụ hưởng cũng như đảm bảo công bằng trong thụ hưởng chế độ.
Khi sử dụng thẻ an sinh xã hội điện tử có tích hợp vân tay sẽ cắt giảm chi phí xã hội, chi phí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về tham gia, thụ hưởng các chế độ an sinh xã hội.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phục vụ 13 triệu đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH; 76,1 triệu người tham gia và thụ hưởng BHYT. Việc thực hiện thẻ an sinh xã hội điện tử có tích hợp vân tay sẽ giúp cho BHXH Việt Nam cắt giảm hàng ngàn tỷ đồng chi phí liên quan đến việc in ấn, cấp lại, đổi thẻ BHYT, sổ BHXH.
Nhận định về lợi ích của việc sử dụng thẻ ASXH điện tử có tích hợp dấu vân tay, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Vụ phó Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết: Khi sử dụng thẻ an sinh xã hội điện tử có tích hợp vân tay, người tham gia và thụ hưởng các chế độ ASXH không phải xuất trình nhiều giấy tờ chứng minh về nhân thân như hiện hành; đồng thời công tác chi trả các chế độ ASXH được chính xác đến từng người thụ hưởng, tránh trường hợp chi sai, chi trùng đối tượng; ngăn chặn tình trạng trục lợi, lạm dụng các chế độ ASXH.
Ông Phùng Đức Thắng – Phó Cục trưởng Cục C72 cho biết: Để làm được điều này phải qua rất nhiều khâu và tương đối phức tạp. Từ năm 2012, C72 đã tiến hành làm thẻ căn cước công dân. Song hiện việc liên thông giữa BHXH với các bộ, ngành liên quan rất khó, đặc biệt khó thực hiện khi dữ liệu liên thông quá lớn từ Bộ LĐ-TB&XH. Mặt khác, thẻ ASXH liên quan đến sinh trưởng học và pháp luật; do đó, ông Phùng Đức Thắng đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu phương án lấy số định danh công dân mà Bộ Công an đã làm để đưa vào tích hợp trên hệ thống BHXH.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, nếu có được vân tay sẽ phân biệt được người dùng thẻ đó là thật hay giả; cũng như biết được các quyền lợi mà người có thẻ được hưởng, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Xuất phát từ lợi ích thiết thực đối với xã hội, đối với người dân khi dùng thẻ an sinh xã hội điện tử tích hợp vân tay; BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Công an hỗ trợ, chia sẻ dấu vân tay điện tử từ cơ sở dữ liệu về căn cước công dân do Bộ quản lý./.