Ngày 14/5/1014, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị báo cáo, giải trình các vấn đề dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, BHYT với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình do đồng chí Nguyễn Ngọc Phương làm Trưởng đoàn. Tham dự Hội nghị còn có Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế.
Tại buổi làm việc, BHXH tỉnh đã báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh một số nội dung tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH, BHYT. Về Luật BHXH, BHXH tỉnh tập trung vào các nhóm giải pháp, đó là: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện; Sửa đổi độ tuổi nghỉ hưu và mức lương đóng BHXH hướng đến cân đối quỹ hưu trí, tử tuất; Tăng chế tài xử phạt hành vi phạm quy định về đóng BHXH; Đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH; Bổ sung thêm về quyền lợi đối với người tham gia BHXH. Về Luật BHYT, BHXH tỉnh đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung, đó là: Về việc phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT: quy định việc tham gia BHYT là hình thức “bắt buộc” (sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Luật BHYT), phân lại nhóm đối tượng và định hướng tham gia BHYT theo hộ gia đình (sửa đổi bổ sung tại Điều 12 Luật BHYT), quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã trong việc lập danh sách đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn và danh sách trẻ em sau khi được sinh ra chậm nhất là 3 tháng để đề nghị cấp thẻ BHYT nhằm khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT và kịp thời đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (sửa đổi bổ sung tại Điều 8 Luật BHYT), bổ sung một số đối tượng chưa được quy định tham gia BHYT theo luật hiện hành gồm: Người cao tuổi đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; Phụ nữ đang ở trong thời gian nghỉ thai sản; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, giúp nước bạn Lào sau 30/4/1975 đã xuất ngũ, phục viên; người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; kéo dài thời hạn sử dụng thẻ BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi cho đến khi các cháu vào học lớp 1 (sửa đổi bổ sung tại Điều 12 và Điều 16 Luật BHYT); Về phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT: Dự thảo Luật nên quy định Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng “Gói dịch vụ y tế cơ bản” (sửa đổi bổ sung tại Điều 2 và Điều 6 Luật BHYT). Để giảm bớt khó khăn cho một số đối tượng khi KCB BHYT, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, hạn chế bẫy nghèo trong y tế nên sửa đổi, bổ sung quyền lợi BHYT theo hướng mở rộng và nâng mức hưởng BHYT đối với một số nhóm đối tượng (sửa đổi bổ sung tại Điều 22 và Điều 23 Luật BHYT). Bên cạnh đó, để giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên, đảm bảo công bằng trong KCB BHYT và tăng cường khả năng kiểm soát chi phí KCB BHYT của tuyến dưới, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, đề nghị bãi bỏ quy định thanh toán chi phí KCB ở nước ngoài, đồng thời giảm tỷ lệ chi trả chi phí KCB vượt tuyến, trái tuyến tại các cơ sở KCB tuyến trung ương từ 30% xuống 20% (sửa đổi bổ sung tại Điều 22 Luật BHYT); Về quản lý, phân bổ và sử dụng quỹ BHYT: Sửa đổi bổ sung tại Điều 32 và Điều 35 Luật BHYT như sau: Việc phân bổ nguồn quỹ BHYT quy định cụ thể: Dành 90% quỹ BHYT cho KCB, 10% còn lại để chi cho quỹ dự phòng và quản lý bộ máy BHYT, việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí kết dư của quỹ KCB BHYT (nếu có) sẽ được thực hiện theo hướng tập trung về Trung ương để điều tiết chung trên phạm vi cả nước nhằm tăng cường hiệu quả nâng cao chất lượng công tác KCB BHYT, quy định về việc xử lý bội chi quỹ KCB BHYT theo hướng nâng cao trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhà nước quỹ BHYT. Theo đó, trường hợp các tỉnh bị bội chi cục bộ, quỹ dự phòng Trung ương sẽ bù đắp 80% phần vượt quỹ; 20% còn lại sẽ do ngân sách địa phương chịu trách nhiệm, thời gian tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT hằng quý được rút ngắn từ 75 ngày xuống còn 55 ngày; Về vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chính sách BHYT (sửa đổi bổ sung tại chương VIII luật BHYT theo hướng thêm Điều mới): để bảo vệ lợi ích của người lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHYT nên quy định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn tham gia vào thực hiện chính sách BHYT. Theo đó, tổ chức Công đoàn có trách nhiệm đôn đốc người sử dụng lao động đảm bảo quyền lợi về BHYT cho người lao động, thực hiện đóng BHYT đầy đủ. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn phối hợp cùng cơ quan BHXH để kiểm tra và đề xuất giải quyết, xử lý đối với các trường hợp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHYT.
Đ/c Nguyễn Ngọc Phương- Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Đ/c Nguyễn Ngọc Phương- Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Sau buổi làm việc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tiếp thu một số nội dung tham gia góp ý của BHXH tỉnh vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH, BHYT./.
Huy Hương (BHXH tỉnh Quảng Bình)
Bảo Hiểm Bảo Việt