Bệnh nhân lo lắng vì quyền lợi bị giảm khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực

(CAO) Sau nửa tháng thực hiện Luật bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), người tham gia BHYT vẫn liên tục than phiền.

Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, kể từ 1-1-2015, người dân đi khám chữa bệnh diện ngoại trú ở các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh trở lên sẽ tự trả chi phí, BHYT không chi trả 30% (tuyến trung ương) hoặc 50% (tuyến tỉnh) như trước đây. 

Các bệnh viện đã đồng loạt dán thông báo để người bệnh tiếp cận với Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Ảnh: Ngô Đồng

Lo lắng vì quyền lợi bị cắt giảm

Khảo sát của phóng viên ghi nhận, tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đều đã đồng loạt dán thông báo: “Theo Luật BHYT sửa đồi, bổ sung: Kể từ ngày 1-1-2015, người bệnh không được hưởng chế độ BHYT trái tuyến khi khám chữa bệnh ngoại trú”.

Trong lúc chờ nhận thuốc ở BV  Bình Thạnh, chị Trần Thị Út (33 tuồi, ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Năm 2009, tôi làm việc ở công ty cũ và có đăng ký thẻ BHYT tại BV Nhân dân Gia Định. Khi tôi chuyển sang công ty mới vào năm 2013 thì BHXH TP.HCM không cho đăng ký khám ở BV Nhân dân Gia Định nữa. Họ giải thích do BV này đã đủ số lượng đăng ký, cuối cùng tôi phải chọn BV Bình Thạnh gần nhà. Tuy nhiên, với quy định mới, nếu tôi bệnh nặng mà tự ý đến BV Nhân dân Gia Định để khám thì phải bỏ tiền ra trả. Như vậy là không công bằng, vì tôi không được quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu”.

Theo ghi nhận, những bệnh nhân vượt tuyến khám bệnh mãn tính như: tim mạch, tiểu đường, viêm gan siêu vi,… đều tỏ vẻ không hài lòng. Họ không được lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu, mặt khác, người mắc bệnh mãn tính rất khó khăn để xin giấy chuyển viện lên tuyến trên.

 

Lâu nay, người dân đã phải đối diện với nhiều vất vả khi lâm bệnh, từ quá tải BV, đến thuốc thang đắt đỏ… giờ phải đương đầu với giấy chuyển viện. Ảnh: Ngô Đồng

Bà Lê Thị Duyên (65 tuổi, ngụ Q.3) nói: “Tôi bị suy tim, huyết áp cao, nhiều khi không yên tâm khi khám, chữa bệnh tại tuyến dưới nên thường xuyên phải vượt lên tuyến trên. Với đồng lương hưu ít ỏi, chỉ hơn 2 triệu/tháng, thì việc phải chi trả thêm chi phí mỗi khi đi khám ngoại trú trái tuyến khiến tôi rất lo lắng”.

Bà Duyên cho biết thêm: “Những khi về quê thăm con cháu, lỡ ngã bệnh giữa đường thì phải làm sao, không lẽ phải quay về đúng tuyến?”.

Tương tự, ông Trần Văn Hương (58 tuổi, quê Long An) bị huyết áp cao cộng với tiểu đường nên thường xuyên lên Sài Gòn tái khám. Ông Hương cho biết: “Vừa tháng trước tôi được thanh toán 30% tiền khám, xét nghiệm, thuốc nên chỉ phải trả 500.000 đồng. Tới tháng này thì không được thanh toán nên mất hơn một triệu đồng”.

Ông Hương than thở: “Đi tới lui cũng tốn kém, số tiền chênh lệch lên bạc triệu thì quả là không nhỏ nhưng cũng phải “bấm bụng chịu trận” lên Sài Gòn, vì khám ở tỉnh không đủ thuốc, phải mua thuốc bên ngoài khá nhiều. Kiểu này là bác sĩ của thành phố trị cho người thành phố, bác sĩ ở quê trị cho người dân quê. Vậy bác sĩ ở quê yếu, thuốc không đủ thì người dưới quê chắc chịu chết vì xin cái giấy chuyển viện để được thanh toán BHYT đâu phải dễ, bệnh gần chết mới được chuyển viện”.

Bên cạnh nỗi lo lắng về việc phải chi trả 100% chi phí KCB ngoại trú, thay bằng được BHYT chi trả từ 30 – 70% như trước đây; nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư, rất lo ngại về việc BHYT giảm tỷ lệ thanh toán tới 50% đối với một số loại thuốc điều trị đặc hiệu.

Tuyến dưới phải… vận động

Bệnh nhân bị hạn chế sự lựa chọn BV đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong khi sau đó bệnh nhân lại đi khám ở BV khác tuyến mà họ tin tưởng, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP.HCM cho rằng, cách làm này của BHXH cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người bệnh đi khám chữa bệnh đúng tuyến, tránh dồn về các nơi đông đúc, quá tải, người dân tiết kiệm được chi phí đi lại.

 

Không chi trả khám vượt tuyến để chống quá tải nhưng nhiều bệnh nhân vẫn bấm bụng vượt tuyến vì không yên tâm điều trị ở tuyến dưới. Ảnh: Ngô Đồng 

Khảo sát thực tế cho thấy, có đến 70% bệnh nhân vượt thẳng lên tuyến tỉnh, trung ương nhưng chỉ để khám chữa bệnh thông thường mà tuyến dưới cũng có thể chữa trị tốt. Việc giảm chi trả với bệnh nhân vượt tuyến không chỉ giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên mà còn thúc đẩy các bệnh viện tuyến dưới phải có các giải pháp cải thiện phương thức khám chữa bệnh, nâng cao trình độ để tạo niềm tin cho bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Huyền, theo quy định mới từ ngày 1-1-2015, có nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp, viêm gan,… sẽ không nằm trong danh mục được BHYT chi trả 100%. Trong đó, có 4 loại thuốc điều trị ung thư gồm Doroxubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib sẽ không được chi trả. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đã điều trị từ trước thời điểm 1-1-2015 vẫn được Quỹ BHYT thanh toán 100% cho đến hết liệu trình điều trị.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo congan.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.