Bắt buộc mua bảo hiểm với tất cả các phương tiện giao thông đường thủy!

Hôm qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giao thông đường thủy nội địa (Luật GTĐTNĐ) sửa đổi bổ sung, sau 9 năm Luật này được thi hành.

 

Điểm mới đáng chú ý của Dự thảo sửa đổi là mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật GTĐTNĐ năm 2004 theo hướng áp dụng một số quy định có liên quan của Luật đối với cả hoạt động GTĐTNĐ diễn ra ở vùng nước không phải là đường thủy nội địa.

Đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Vẻ (tỉnh Thái Bình) cho rằng, trên thực tế hoạt động GTĐTNĐ vẫn đang diễn ra trên các vùng nước chưa được quản lý, khai thác giao thông vận tải nhưng Luật GTĐTNĐ năm 2004 không đề cập đến. Trong khi đó, việc đi lại ở các vùng nước này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, để nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động của phương tiện, đồng thời, phân định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cảnh báo các khu vực nguy hiểm không được phép hoạt động như Điều 101a của dự thảo luật là cần thiết.

ĐB Đỗ Văn Vẻ cũng đồng tình với qui định cho phép phương tiện không có động cơ, trọng tải toàn phần từ 5 đến dưới 15 tấn khi hoạt động chỉ phải đăng ký mà không phải đăng kiểm (trước đây phải thực hiện cả đăng ký lẫn đăng kiểm), để  khắc phục được tình trạng các phương tiện không đăng ký như hiện nay. Cùng góp ý cho vấn đề này, ĐB Trần Dương Tuấn (tỉnh Bến Tre) cho rằng, Luật cần quy định rõ hơn trong thời hạn bao lâu thì chủ phương tiện phải đi đăng ký lại và nếu không đăng ký thì trong thời hạn bao lâu sẽ bị xử lý theo các chế tài, tránh tình trạng chậm đăng ký hoặc không đăng ký lại. 

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình), cần phải quy định quản lý cụ thể đối với nhà hàng nổi kinh doanh vùng thủy nội địa, đối với các loại thuyền bo bo du lịch. Đồng thời, cần có loại hình đăng ký riêng cho loại hình phương tiện đan xen, kết hợp giữa vận chuyển hành khách và hàng hóa. ĐB Phương cũng đề nghị  qui định đưa các phương tiện nhỏ khi tham gia đường thủy nội địa không do cấp tỉnh quản lý về cho cấp xã quản lý, thay cho cấp huyện như hiện nay vì mỗi huyện chỉ có 1 cán bộ phụ trách cả mảng giao thông đường thủy lẫn đường bộ, khó cho quản lý.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương còn đề nghị đưa vào dự thảo luật quy định khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia xã hội hóa trong hoạt động xây dựng các bến bãi, cung cấp các dịch vụ cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, quy định bắt buộc mua bảo hiểm dân sự đối với tất cả các loại phương tiện tham gia GTĐTNĐ vì tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cao để giảm gánh nặng cho xã hội khi tai nạn xảy ra. 

Nhiều ĐB cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung một số vấn đề như: Việc đăng ký thêm chức năng vận chuyển nhà hàng trên sông; nghiên cứu về trách nghiệm của tổ chức, cá nhân khi có tai nạn xảy ra. Theo nhiều ĐB, để đảm bảo công tác cứu nạn, cứu hộ không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan mà còn là vấn đề chung của cộng đồng, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy, cần bổ sung quy định khuyến khích việc tham gia cứu nạn, cứu hộ và chính sách của Nhà nước đối với người cứu nạn bị thiệt hại tính mạng và tài sản. Trong đó, cần coi việc đảm bảo tính mạng an toàn cho người dân là trên hết.

Theo Bộ GTVT, cả nước hiện có hơn 80.577km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000km (đạt 45%) do khó khăn về kinh phí. Vì vậy, khi có tai nạn liên quan đến phương tiện thủy nội địa xảy ra ở ngoài phạm vi luồng (đối với các sông, kênh, rạch được tổ chức quản lý) và trên các sông, kênh, rạch chưa được tổ chức, quản lý thì các cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc, do khu vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐTNĐ.

Bởi vậy, việc sửa đổi dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý mới, bảo đảm an toàn và thuận tiện hơn cho loại hình giao thông này.

Theo  (Phapluatxahoi)

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.