Bảo hiểm y tế phải bắt buộc toàn dân

Thay vì tự nguyện, cần áp dụng bắt buộc bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân để nâng cao sức khỏe cộng đồng và trách nhiệm chung của người dân với xã hội. Việc này cũng sẽ tránh được tâm lý “phân biệt, đối xử” với người khám chữa bệnh BHYT như hiện nay. Đây là những ý kiến được đa số đại biểu đồng tình tại phiên thảo luận của QH về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT diễn ra ngày 22/5.

BHYT 230514.jpg
Được khám chữa bệnh bằng BHYT là mong mỏi của đại bộ phận nhân dân

Tạo môi trường khám, chữa bệnh bình đẳng

Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), quy định BHYT bắt buộc là chính sách hoàn toàn đúng đắn của Nhà nước và cần quy định chặt chẽ hơn để xử phạt các trường hợp trốn tránh đóng BHYT. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho rằng, không áp dụng BHYT bắt buộc thì không bao giờ thành công trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. “Thu nhập người dân còn thấp, không ổn định, tuyến cơ sở chưa thuận tiện nên nhiều người dân không tham gia bảo hiểm, hoặc chỉ đóng bảo hiểm cho người già, người yếu. Vì vậy, cần tuyên truyền để người dân tự nguyện tham gia BHYT, đóng góp lợi ích cho cộng đồng” – bà Hằng nêu ý kiến.

Tuy nhiên, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) lại bày tỏ băn khoăn việc bắt buộc người dân tham gia BHYT trong khi công tác này còn nhiều bất cập, chưa đưa ra được những giải pháp có tính chiến lược, dứt điểm, chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế chưa đồng đều.

“Trước khi bắt buộc người dân phải mua BHYT thì việc cần làm trước hết là phải khắc phục sớm chất lượng khám chữa bệnh, quá tải tại các bệnh viện. Khi chất lượng các bệnh viện tuyến dưới đáp ứng được yêu cầu thì người bệnh sẽ không vượt tuyến” – bà Hạnh nói.

Một số đại biểu cũng không đồng ý hạ mức chi trả khi khám vượt tuyến, trái tuyến như quy định trong dự thảo. ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng, quy định hạ mức hưởng khi khám trái tuyến ở bệnh viện Trung ương từ 30 xuống 20% như dự thảo là chưa phù hợp. “Việc vượt tuyến của người bệnh có yếu tố khách quan, vì thế đề nghị giữ nguyên mức thanh toán 30% như hiện nay để tránh thiệt thòi cho người bệnh” – đại biểu tỉnh Yên Bái đề nghị.
 
Quan tâm dịch vụ y tế cho trẻ em

Tại phiên thảo luận, một số ĐB cũng đề xuất đưa khám, điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi vào diện được bảo hiểm chi trả. Bởi theo các ĐB, Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng, nằm trong nhóm 34 nước có gánh nặng về suy dinh dưỡng. “Chúng ta là một trong những quốc gia sớm nhất ký công ước về quyền trẻ em mà chế độ BHYT lại không quan tâm đến việc chữa trị căn bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em là không thể chấp nhận được” – ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói. 

Cùng quan điểm này, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, trẻ em là nguồn lực cho đất nước mai sau. Muốn có chất lượng tốt thì phải chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt từ bé. “Tôi thiết tha đề nghị bổ sung nội dung khám dinh dưỡng, điều trị dinh dưỡng và BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, vì các em cần được chăm sóc, nuôi dưỡng để trở thành những người thanh niên khỏe mạnh, đó là tương lai của đất nước” – ĐB An nói.

ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) cũng dẫn chứng, dịch sởi và chân tay miệng thời gian qua là bằng chứng điển hình. Những em bị suy dinh dưỡng, có thể trạng yếu dễ mắc bệnh và có tỉ lệ tử vong cao hơn những em không bị suy dinh dưỡng. Do vậy, cần có những dịch vụ y tế đầy đủ để trong sóc trẻ em bị suy dinh dưỡng. 

Theo Minh Tiến (báo GTVT)

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.