Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vẫn còn tiềm năng rất lớn, nhưng tỷ lệ trục lợicao, cạnh tranh hạ giá phí gay gắt, khiến lợi nhuận từ mảng này rất thấp.
Đó là đánh giá và nhìn nhận của nhiều chuyên gia trong ngành tại Hội thảo “Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2013” vừa diễn ra tại TP. HCM.
Mới có 29% xe máy mua bảo hiểm bắt buộc
Cùng với nhận định thị trường bảo hiểm xe cơ giới vẫn còn nhiều tiềm năng, vấn đề mà ông Trần Trung Tính, Phó tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) đặt ra tại Hội thảo là làm thế nào để cân bằng giữa chất lượng dịch vụ với kiểm soát chi phí? Giải pháp nào để phát triển thị trường bảo hiểm xe cơ giới qua nhiều kênh khác nhau?
Cả nước hiện có khoảng 20 triệu ô tô và trên 37 triệu xe máy lưu hành, tỷ lệ mua bảo hiểm bắt buộc đạt 90% với xe ô tô và 29% với xe máy
Số liệu được dẫn ra để minh chứng cho tiềm năng của nghiệp vụ bảo hiểm cơ giới là cả nước hiện có khoảng trên 2 triệu xe ô tô và trên 37 triệu xe máy đang lưu hành, theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI). Trong đó, có 90% số xe ô tô và 29% số xe máy đang được bảo hiểm bắt buộc. Tính riêng 6 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm vật chất ô tô đạt 3.484 tỷ đồng, bảo hiểm bắt buộc 882 tỷ đồng, trong đó 50% lượng ô tô tham gia mua bảo hiểm thiệt hại vật chất.
9 tháng đầu năm, doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đạt 5.010 tỷ đồng, dẫn đầu các nhóm nghiệp vụ. Tuy nhiên, với tình hình tiêu thụ ô tô đã có tín hiệu lạc quan đáng kể (có tới 59.197 xe ô tô đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm) so với tình trạng đóng băng của thị trường này trong năm 2011 và 2012 thì mức tăng trưởng 8,8% của nghiệp vụ này là khá “khiêm tốn”.
Đại diện nhiều DN tham dự Hội thảo cùng nhìn nhận, bảo hiểm xe cơ giới vẫn còn tiềm năng lớn và kỳ vọng, doanh thu từ nghiệp vụ này sẽ tăng trưởng mạnh vào quý cuối cùng của năm, thời điểm sức mua ôtô thường mạnh nhất trong năm.
Tại Hội thảo, một lần nữa, vấn đề trục lợi bảo hiểm, đặc biệt phổ biến trong nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, lại được các đại biểu đưa ra mổ xẻ, phân tích. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) khẳng định, các hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng tăng và kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa vấn đề xử lý trục lợi bảo hiểm trong các văn bản pháp luật sửa đổi.
TOP 5 vẫn chiếm 68% thị phần
Theo ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Hoạt động Tập đoàn Bảo Việt, dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng ổn định, trên cả khối bảo hiểm phi nhân thọ lẫn bảo hiểm nhân thọ. Theo nguồn tổng hợp của ông Hà, 9 tháng đầu năm, Top 5 DN bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất vẫn đang chiếm tới 68% thị phần. 32% thị phần còn lại, khối DN trong nước chiếm 19%, khối DN nước ngoài chiếm 13%.
Trong Top 5, Bảo hiểm PVI dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm gốc; 4 DN còn lại lần lượt là Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PTI. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tập trung vào phân khúc bán lẻ, khai thác sản phẩm bảo hiểm cá nhân.
Báo cáo tài chính 9 tháng của các DN trong Top 5 DN bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất cho thấy, Bảo hiểm PVI dẫn đầu lãi nghiệp vụ, đạt hơn 170 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi nghiệp vụ của Bảo hiểm Bảo Việt trong kỳ này là 37 tỷ đồng, Bảo Minh lãi 25 tỷ đồng và Pjico lỗ 79 tỷ đồng. Cả Bảo Việt và Pjico đều giảm đáng kể lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm; trong đó, Pjico lỗ nghiệp vụ tương đối lớn, duy chỉ có Bảo hiểm PVI vẫn đạt mức lãi nghiệp vụ như kỳ vọng.
Dù lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng chia sẻ với Báo ĐTCK, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn tăng 5%. Cùng với việc đạt được các mục tiêu trong triển khai bảo hiểm học sinh, thì xu hướng giảm tỷ lệ bồi thường các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm y tế sức khỏe giúp Bảo hiểm Bảo Việt tăng trưởng lợi nhuận nghiệp vụ.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, đại diện IBC Asia đánh giá cao sự phát triển của thị trường bảo hiểm ViệtNam: “Chừng nào kỳ vọng các thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm trên thế giới còn tăng trưởng, thì chừng đó, sẽ hiếm có thị trường nào hấp dẫn hơn thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế mới nổi như Việt Nam không chỉ mang đến các cơ hội lớn cho các nhà đầu tư mà cũng chứa đựng nhiều thách thức, mà các nhà đầu tư cũng cần phải cân nhắc khi tham gia thị trường”.