Năm 2016, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác thu, quyết liệt thu hồi nợ, trong đó tích cực triển khai công tác thanh tra và phối hợp với Tổ chức Công đoàn khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa án.
Tính đến hết tháng 11.2016, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cả nước là trên 75,35 triệu người, đạt 100,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là trên 12,73 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện gần 200.000 người; tham gia BH thất nghiệp hơn 10,9 triệu người. Riêng đối tượng tham gia BHYT là hơn 75,1 triệu người, đạt 100,8% so với kế hoạch. Tỉ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,3% vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28.6.2016.
Thu 11 tháng đạt hơn 88% kế hoạch năm
Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN 11 tháng cả nước là 223.469 tỉ đồng đạt tỉ lệ 88,1% kế hoạch. Trong đó, số thu BHXH bắt buộc 154.630 tỉ đồng; số thu BHXH tự nguyện 1.030 tỉ đồng; số thu BH thất nghiệp 10.427 tỉ đồng; số thu BHYT là 56.271 tỉ đồng; thu lãi chậm đóng là 432 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN 11 tháng cũng lên tới hơn 13.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 5,6% so với kế hoạch thu.
Trong tổng số nợ khó thu của các đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và các DN thuộc Vinashin, Vinalines số tiền là 2.000 tỉ đồng, chiếm trên 15,2% tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN; nợ ngân sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT số tiền là 865 tỉ đồng, chiếm trên 6,6% tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Nguyên nhân của tình trạng trốn đóng và chậm đóng BHXH nêu trên có nhiều nhưng chủ yếu là: Do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng vào Quỹ BHXH của NLĐ. Chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với NLĐ. NLĐ không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm. Công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHXH, BHYT đối với các DN chưa thường xuyên.
Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN không chỉ ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT, BHTN mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Đồng bộ nhiều giải pháp thu nợ
Để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch thu năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố đề xuất với chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện thành lập thanh tra liên ngành phối hợp với cơ quan BHXH thanh tra (hoặc thanh tra đột xuất) việc chấp hành pháp luật đối với các DN đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài từ 3 tháng trở lên trên địa bàn, cương quyết xử lý những DN cố tình trây ỳ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, bám sát, đôn đốc cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng chuyển tiền đóng BHYT kịp thời cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng năm 2016 vào Quỹ BHYT trước ngày 31.12.2016. Nếu trường hợp cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng không thực hiện chuyển tiền đóng BHYT đề nghị lập biên bản (hoặc văn bản xác nhận) nêu rõ lý do và gửi gấp về BHXH Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo phòng khai thác và thu nợ BHXH cấp huyện, cán bộ chuyên quản thu trực tiếp đến đơn vị, DN đôn đốc thu kịp thời, không để nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên. Mỗi tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 15 DN có thời gian nợ trên 3 tháng. Cung cấp hồ sơ, thông tin phối hợp với LĐLĐ tỉnh khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN ra tòa án theo quy định. Đến 31.12.2016, mỗi tỉnh, thành phố phối hợp với LĐLĐ thực hiện nộp đơn khởi kiện ra tòa án ít nhất từ 10 – 50 DN có thời gian nợ trên 6 tháng. Công khai danh tính đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài địa phương, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cấp xã).
Ngoài ra, cơ quan BHXH cấp tỉnh phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật do tòa án các cấp xét xử từ ngày 14.4.2016 trở về trước. Phối hợp với các ngân hàng đã ký thỏa thuận với BHXH Việt Nam về việc thu BHXH, BHYT, BHTN khi cho DN vay để trả lương cho NLĐ hoặc cho vay theo gói thầu mà có trả lương cho NLĐ thì phải bắt buộc kèm theo tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phần trách nhiệm phải đóng của đơn vị, đồng thời trích tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ chuyển vào Quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Phát động phong trào thi đua nước rút, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu năm 2016 đến từng cán bộ, công chức, viên chức.
Mặt khác, để việc thực hiện công tác khởi kiện, thanh tra, thu nợ của ngành BHXH đạt các mục tiêu đề ra, BHXH các tỉnh, thành phố từ nay đến cuối năm tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu; phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ; chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên với số nợ lớn.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam sẽ chủ động phối hợp với Tổng LĐLĐVN tiến hành kiểm tra công tác khởi kiện tại một số địa phương, qua đó đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại để triển khai tốt công tác khởi kiện; năm 2017, đưa nội dung khởi kiện, thanh tra thu nợ BHXH, BHYT, BHTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH.
theo laodong.com.vn