Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho những người muốn tham gia, linh hoạt hơn trong việc đóng hưởng, chi trả chế độ. Thế nhưng, số lượng người lao động tham gia chính sách này còn rất hạn chế, đa số vẫn là người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chứ số lượng người tham gia mới ít.
Đây là nhận định định được đưa ra tại Hội nghị tuyên truyền về chế độ chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 22/2 tại Hà Nội.
Chính sách ưu việt
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở ra rất nhiều chính sách thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Pháp luật hiện hành không quy định trần tuổi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tại hội nghị, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội nhấn mạnh: “Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu cũng được hạ từ 22% mức lương cơ sở còn bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Tức là, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/ tháng.”
“Giả định, mức chuẩn nghèo không thay đổi, không tính đến yếu tố lạm phát thì sau 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, một lao động nữ đến 55 tuổi sẽ nhận được lương hưu bằng 60% thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Nếu đóng 154.000 đồng/tháng trong vòng 20 năm thì sẽ nhận được lương hưu 420.000 đồng/tháng. Kỳ vọng sống của phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi 55 là 24,5 năm. Rõ ràng, về mặt tài chính thì tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất có lợi.”
Theo Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động hoàn toàn có thể chọn mức đóng cao hơn để có mức hưởng lương hưu cao hơn khi về già. Nhưng tối đa không vượt quá 22% của 20 lần mức lương cơ sở.
[Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2018]
Ông Trần Hải Nam cũng cho biết thêm: “Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho phép người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo nhiều phương thức. Trường hợp người lao động đã hết tuổi lao động nhưng mới có hơn 10 năm đóng bảo hiểm xã hội thì có thể đóng bảo hiểm xã hội một lần cho những năm còn thiếu và hưởng lương hưu ngay khi đóng đầy đủ.”
Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đang chi trả cho gần 24.000 người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng, trong đó có khoảng 100 người hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, còn lại là hưởng lương hưu. Việc chi trả được thực hiện qua tài khoản thẻ ATM, tại cơ quan bảo hiểm xã hội và chi trả thông qua tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền
Làm sao thu hút 40 triệu người lao động?
Qua 9 năm thực hiện, đã có trên 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt, có gần 30.000 người đang từ chỗ không có cơ hội về mặt chính sách để hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đã được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Tuy nhiên, 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là một con số còn khiêm tốn. Vẫn còn gần 40 triệu người lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân… thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chưa đăng ký tham gia.
Mặc dù chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có rất nhiều ưu việt nhưng các đại biểu dự hội nghị đều đồng tình rằng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp so với tiềm năng. Đặc biệt, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện đều là những người đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.”
[Phụ nữ gặp nhiều rào cản khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện]
Ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: “Một số nguyên nhân chính dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp là do thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, thường không ổn định, giai đoạn từ 2008-2015 mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân mà lại chưa có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.”
Trong thực tế, việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện vào cuộc sống còn chưa linh hoạt, chưa tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng tiếp cận. Việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả nên người dân chưa hiểu hết về chính sách.
Ông Trần Hải Nam cho biết, trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang có định hướng để tìm kiếm phương thức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện với những chế độ ưu việt hơn. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ hấp dẫn hơn, tạo động lực như là một cú hích để thúc đẩy người dân đến gần hơn với bảo hiểm xã hội tự nguyện./.
theo vietnamplus.vn