VOV.VN -Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH là hết sức cần thiết. Công việc này nhằm góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…
Dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII này, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Việc thông qua này nhằm tạo cơ sở pháp lý để đưa hoạt động này đi vào nền nếp, thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, thực hiện “Quyền được bảo đảm an sinh xã hội” mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Để BHXH trở thành trụ cột của chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho sự phát triển hài hòa của xã hội có nhiều việc phải làm, trong đó, việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH được xem là giải pháp căn cơ nhất.
Từ chỗ đan xen, làm thay chính sách cứu trợ, ưu đãi, sau hơn 7 năm đi vào cuộc sống, các chính sách về BHXH không ngừng được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện theo hướng đảm bảo quyền tham gia và quyền được thụ hưởng của người lao động, có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa những người tham gia bảo hiểm tại các thành phần kinh tế khác nhau. Quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm, người về hưu được đảm bảo và từng bước được cải thiện theo hướng tích cực. Ngoài nhóm chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện bước đầu thu hút lao động khu vực phi chính thức tham gia; Chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng đã bước đầu được triển khai…
Tuy nhiên, lĩnh vực BHXH cũng còn nhiều vấn đề tồn tại. Đó là diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, hiện mới khoảng 20% lực lượng lao động; Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách còn thiếu sót; Tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều; Quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm chưa chặt chẽ, nhất là quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần; tình trạng người lao động lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến.
Trong khi đó, Luật BHXH hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc chủ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Cả nước có 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ một nửa trong số đó đóng BHXH đầy đủ. Tình trạng nợ đọng BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương, lĩnh vực với số tiền đến đầu năm nay là hơn 12.000 tỷ đồng.
Cũng đã có hàng trăm doanh nghiệp bị khởi kiện ra tòa, nhưng nợ BHXH vẫn không giảm. Lấy lý do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm của người lao động làm vốn kinh doanh, vì tiền nộp phạt còn thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Trong khi ngành Bảo hiểm vẫn loay hoay trong mớ bòng bong nợ đọng và đối mặt với nguy cơ vỡ quỹ, do những bất cập trong quản lý, điều hành Quỹ BHXH thì hằng ngày, hằng giờ, khoảng 700.000 người lao động trong cả nước phải chịu cảnh bị chủ doanh nghiệp vi phạm quyền lợi về bảo hiểm xã hội mà không biết kêu ai. Đây sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội trong tương lai, nếu hàng nghìn doanh nghiệp trong diện này tuyên bố phá sản.
Vì vậy, việc Quốc hội tập trung thảo luận, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH là hết sức cần thiết. Công việc này là tuân thủ quan điểm nhất quán của Đảng xem BHXH là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của quốc gia, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH nhằm đạt 2 mục tiêu quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ bảo hiểm xã hội; đồng thời, Nhà nước có chính sách để khuyến khích mở rộng đối tượng lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành trụ cột chính của chính sách an sinh quốc gia./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vov)