Bảo hiểm xã hội cho người di cư

Hiện có khoảng 76% LĐ di cư chưa có điều kiện tiếp cận với chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) và để hỗ trợ tối đa cho nhóm LĐ yếu thế, BHXH các quận, huyện tại Hà Nội đã đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ.

Chỉ cần có tạm trú là được cấp thẻ

Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 1 triệu LĐ di cư ở khu vực phi chính thức, tập trung chủ yếu tại một số quận như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy… Phần lớn LĐ di cư không tham gia BHXH (khoảng 99%) và BHYT (khoảng 76%).

Để hỗ trợ và tạo thuận lợi nhất cho người LĐ, đại diện BHXH Hà Nội cho biết: Thủ tục đăng ký mua thẻ BHYT tự nguyện hiện nay đã đơn giản rất nhiều. Người LĐ chỉ cần có sổ tạm trú hoặc giấy tạm trú có xác nhận của công an phường là BHXH quận, huyện sẽ hoàn tất thủ tục mua được BHYT. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là nhiều LĐ di cư chưa ý thức được vấn đề khai báo tạm trú, tạm vắng hoặc có thể do tính chất đặc thù của LĐ di cư là không ở một nơi cố định nên họ cho rằng không cần thiết. Do vậy, để LĐ di cư tiếp cận được với chính sách ưu việt của BHYT, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành liên quan, nhất là cơ quan công an trong việc xác nhận tạm trú – giấy thông hành duy nhất – để LĐ di cư khu vực phi chính thức được xem xét cấp thẻ BHYT.

bao hiem xa hoi cho nguoi di cu

Chị Đỗ Thị Hồng (quê ở Vĩnh Phúc) hiện đang trọ ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm là 1 trong 7 LĐ di cư đầu tiên của Hà Nội đăng ký mua thẻ BHYT thành công từ việc khai báo tạm trú. Hơn 30 năm nay mưu sinh ở Thủ đô với nghề thu mua đồng nát, ngay cả khi bị mắc bệnh hiểm nghèo, đã qua 4 lần phẫu thuật, nhưng chị Hồng không biết làm thế nào để tiếp cận với chính sách BHYT. Lý do chính theo chị Hồng do nay thuê chỗ này, mai trọ chỗ khác nên gặp khó khăn trong việc xác nhận hộ khẩu tham gia BHYT.

“May mắn đợt này, nhờ cán bộ hội phụ nữ và công an phường Phúc Tân hỗ trợ về thủ tục tạm trú, xác nhận đơn đăng ký tạm trú nên ngày 2.8.2016, tôi đã có tấm thẻ BHYT. Với tôi, giờ chi phí khám, chữa bệnh đã giảm rất nhiều” – chị Hồng phấn khởi.

63 tuổi, cũng đã hơn 30 năm chật vật mưu sinh ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh (quê ở Hưng Yên, hiện trọ ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) cũng chưa biết đến tấm thẻ BHYT. “Trước đó, tôi đã lên phường tìm hiểu thủ tục, nhưng phường yêu cầu làm thẻ tạm trú. Vì mải đi buôn bán, không có thời gian làm thủ tục nên tôi đành thôi. May đợt này được sự hỗ trợ của các chị ở phường Chương Dương về thủ tục đăng ký nên tôi mới làm được thẻ BHYT” – bà Thanh cho biết.

Đẩy mạnh tuyên truyền để tiếp cận người LĐ

Chị Hồng và bà Thanh chỉ là số LĐ di cư hiếm hoi thuộc khu vực phi chính thức đã tiếp cận với chính sách BHYT và đã tự nguyện mua BHYT. Bà Phạm Hồng Hạnh – Chủ tịch Hội LHPN phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết: Trên địa bàn phường có 5 nhóm LĐ ngoại tỉnh đang hoạt động với hơn 100 người. Thông qua sinh hoạt nhóm, chính sách BHYT đã được triển khai tới LĐ lâu rồi, nhưng đến nay mới có 4 LĐ mua BHYT tự nguyện.

Từ thực tế địa bàn mình, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Hội LHPN phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cho biết: Phường hiện có hơn 2.000 LĐ ngoại tỉnh từ Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định thuê trọ tập trung (từ 7-10 người/1phòng khoảng 20m2) vừa ẩm thấp, sinh hoạt chật chội, thiếu thốn. Với công việc bán hàng rong, thu mua đồng nát từ sáng sớm đến đêm khuya, LĐ di cư dễ gặp rủi ro khi tham gia giao thông nhưng phần lớn họ đều chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT.

“Thủ tục đăng ký mua thẻ BHYT tự nguyện hiện nay đã đơn giản rất nhiều. Người LĐ chỉ cần có sổ tạm trú hoặc giấy tạm trú có xác nhận của công an phường là BHXH quận, huyện sẽ hoàn tất thủ tục mua được BHYT.”

Khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ LĐ di cư khu vực phi chính thức tiếp cận với chính sách BHYT, bà Trần Thị Phương Hoa – Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đề nghị: Thực tế cho thấy, nếu phường nào, cán bộ hội địa phương chủ động tiếp cận tuyên truyền và hỗ trợ chị em về thủ tục pháp lý, ở đó chị em đều có ý thức tham gia BHYT. Vì vậy, đề nghị BHXH cùng vào cuộc với các cấp hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn đối với nhóm LĐ yếu thế.

“Hội Phụ nữ các cấp sẽ tăng cường tuyên truyền tới các hội viên, tổ chức thành các tổ nhóm đồng đẳng để dễ tiếp cận với LĐ di cư, để các chính sách về an sinh xã hội thực sự đến được với nhóm LĐ yếu thế”- bà Trần Thị Phương Hoa khẳng định.

theo laodongthudo.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.