Nhận diện cơ hội từ hội nhập…
Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh để hưởng các chính sách thuế ưu đãi từ Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do song phương khác. Hoạt động đầu tư nước ngoài càng tăng lên đồng nghĩa với nhu cầu về bảo hiểm theo đó càng lớn bấy nhiêu.
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, cơ hội sẽ mở ra với hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm. Đáng chú ý, bảo hiểm tài sản có cơ hội gia tăng nhanh chóng khi làn sóng đầu tư FDI từ 11 nước thành viên vào Việt Nam cũng như các quốc gia ngoài TPP vào Việt Nam tăng tốc.
Nhu cầu về nhóm sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm cũng sẽ tăng cao theo tập quán không thể thiếu bảo hiểm của người nước ngoài và DN có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là sự gia tăng nhu cầu về bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa bên cạnh các loại sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm như bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm trách nhiệm với bên thứ ba, bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường…
Chưa kể, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa 70.000 đơn vị sự nghiệp công lập cùng việc nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới sẽ tạo thêm “sân chơi” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cũng tạo thêm nhu cầu về bảo hiểm.
… và thách thức
Trong 11 quốc gia cùng Việt Nam tham gia TPP lần này, hiện đã có 4 quốc gia từng hiện diện thương mại tại thị trường bảo hiểm Việt Nam thông qua việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm. Đó là Australia (lập Công ty bảo hiểm UIC), Canada (PVI Sun Life), Nhật (Dai-ichi). Riêng Mỹ đã có 6 doanh nghiệp bảo hiểm có mặt trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, là AIA, AIG, ACE non life, ACE life, MetLife, Liberty.
Các doanh nghiệp này đều đang hoạt động tốt, tăng trưởng ổn định, tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong thời gian tới, khả năng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài xin cấp phép hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Đổi lại, các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam cũng được phép thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại 11 nước thành viên TPP còn lại, nếu đáp ứng điều kiện của nước sở tại.
Các doanh bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam đều đã làm quen với việc chấp nhận luật chơi bình đẳng trên thị trường bảo hiểm nước nhà; đồng thời cũng đã làm quen với sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng với tình hình mới.
Thông qua TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội mở cửa thị trường bảo hiểm, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường nhờ vậy sẽ mang tính cạnh tranh hơn, hướng tới cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho thị trường. Nhưng đó cũng chính là thách thức lớn đối với doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.
Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nội địa sẽ phải tiếp tục đổi mới về sản phẩm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng thích nghi với thời cuộc.
Với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, nhiệm vụ đặt ra là phải phát triển, đổi mới sản phẩm phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế – xã hội như bảo hiểm công trình quy mô lớn, phức tạp; bảo hiểm công nghệ cao, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa xuất khẩu, bảo hiểm ô nhiễm môi trường…
Còn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần phải tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nhà bảo hiểm khác trong và ngoài nước.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần mở rộng dịch vụ khách hàng, quản lý rủi ro và phân tán rủi ro để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chưa kể, các doanh nghiệp khối này còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp phi nhân thọ tại nước ngoài được cung cấp sản phẩm qua biên giới.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, từ khâu phân phối sản phẩm, quản lý hợp đồng, quản trị rủi ro, đầu tư tài chính để tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp bảo hiểm khối này cũng phải cạnh tranh với các định chế tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong thu hút tiền nhàn rỗi đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ…
Thách thức là vậy, nhưng nếu biết nắm bắt và vượt qua, doanh nghiệp bảo hiểm Việt sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ.
Sẵn sàng cho hội nhập
Trên thực tế, hoạt động của ngành bảo hiểm Việt Nam từ lâu đã không còn bó hẹp trong biên giới quốc gia. Có thể ra nhiều nghiệp vụ bảo hiểm đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia như bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm hàng hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tàu biển… và tái bảo hiểm.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã rộng cửa cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào đầu tư từ lâu theo các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Việc thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam đã diễn ra vào cuối tháng 8/2014, với sự ra đời của Chi nhánh Công ty bảo hiểm bảo lãnh Seoul, Hàn Quốc (SGI). Hay các doanh nghiệp bảo hiểm Việt đã có thể bán bảo hiểm xuyên biên giới.
Về khía cạnh pháp lý liên quan đến hội nhập của lĩnh vực bảo hiểm, các quy định hiện hành đã xóa bỏ rào cản phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp bảo hiểm trong nước với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, bỏ quy định tái bảo hiểm bắt buộc phải thông qua Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia cùng nhiều quy định khác.
Điều này đã cho thấy các doanh bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp ngoại) đều đã làm quen với việc chấp nhận luật chơi bình đẳng trên thị trường bảo hiểm nước nhà; đồng thời cũng đã làm quen với sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng với tình hình mới.
Nhìn một cách tích cực thì những thách thức khi mở cửa, hội nhập chính là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm vượt qua chính mình và cũng là lợi thế đã được biết đến từ trước của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, một trong những yêu cầu khi hội nhập là phải nghiên cứu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm hưu trí mang tính đa quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế là phần lớn các doanh nghiệp trong khối này là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, từ các tập đoàn tài chính – bảo hiểm hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới nên thách thức này sẽ không quá lớn. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Khối này chỉ cần dành thời gian nghiên cứu sản phẩm sao cho đúng nhu cầu của khách hàng mới là những người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Hay với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, việc giải quyết các vụ bồi thường bảo hiểm (như có mặt nhanh chóng tại hiện trường nơi xảy ra sự kiện bảo hiểm, liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam, xác định nguyên nhân/giám định tổn thất bảo hiểm) cũng lại là lợi thế lâu nay của các doanh nghiệp nội.
Với đà tăng trưởng ổn định ở mức hai con số trên toàn thị trường bảo hiểm Việt trong nhiều năm trở lại đây, kỳ vọng các doanh nghiệp bảo hiểm Việt không quá khó để bắt nhịp với đà hội nhập và phát triển của nền kinh tế đất nước.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)