(TBTCO) – Hội thảo “Bảo hiểm ung thư tại Việt Nam – Thu hẹp khoảng cách từ sáng kiến đến việc tiếp cận điều trị” vừa diễn ra ngày 22/5, tại TP.HCM. Hiện nay, số người tử vong vì ung thư trên thế giới chiếm tới 12,5%, cao hơn các căn bệnh HIV/AIDS, bệnh lao và bệnh sốt rét cộng lại.
Hội thảo do Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Tập đoàn Tái bảo hiểm Swiss Re, Tập đoàn Dược phẩm Roche và Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE) đồng tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Sĩ cùng các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo Ban tổ chức, ung thư là vấn đề y học toàn cầu đang rất quan tâm vì có tới 12,5% trường hợp tử vong trên thế giới, do chứng bệnh này gây ra (chiếm tỷ lệ cao hơn các căn bệnh HIV/AIDS, bệnh lao và bệnh sốt rét cộng lại). Hiện nay, số ca mắc bệnh ung thư đang tăng nhanh ở châu Á, trở thành gánh nặng cho các gia đình, xã hội và hệ thống y tế.
Tại hội thảo, đại diện Swiss Re, cho biết: Vấn đề đặt ra là làm sao giải được bài toán về chi phí điều trị ung thư đảm bảo? Với bề dày hơn 150 năm, Swiss Re muốn mang đến những kinh nghiệm, kiến thức và những trải nghiệm toàn cầu để cùng với các công ty bảo hiểm, các hãng dược phẩm, y tế… tại Việt Nam, nhằm giúp xây dựng giải pháp về bảo hiểm ung thư phù hợp và hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân.
Đề cập về việc chữa trị ung thư, TS-BS. Phạm Xuân Dũng – Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhấn mạnh: Căn bệnh ung thư đang là gánh nặng của các quốc gia. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 116.000 bệnh nhân mới (TP.HCM chiếm khoảng 4 – 5%).
Thực tế cho thấy, chi phí điều trị ung thư cũng gia tăng hàng năm, vì vậy các cơ quan y tế, bảo hiểm và cả người dân đều cần phải có một chiến lược cho việc phòng chống và điều trị ung thư hợp lý, hiệu quả.
Trong thời gian qua, vai trò của bảo hiểm y tế là rất quan trọng đối với người dân. Tuy nhiên, để giải quyết gánh nặng chi phí đang ngày càng gia tăng này, trong thời gian tới rất cần các giải pháp như triển khai bảo hiểm thương mại, quỹ phúc lợi xã hội… để mọi người dân có nhu cầu có thể tự nguyện mua bảo hiểm, nhằm bảo vệ rủi ro sức khỏe cho chính mình./.