2013, tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng
Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần cắt giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động từ 9%/năm hồi đầu năm đã về mức 7%/năm gần cuối năm, mặt bằng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đã giảm 6-7%/năm so với đầu năm 2012.
Dù vậy, theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trong năm qua, giá trị tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng của toàn ngành bảo hiểm vẫn chiếm tới 70% tổng danh mục đầu tư tài chính. Điều đáng nói là tỷ lệ này đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Tại khối bảo hiểm phi nhân thọ, tiền gửi đạt gần 16.825 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012, chiếm gần 70% tổng danh mục đầu tư tài chính. Còn tại khối bảo hiểm nhân thọ, cơ cấu đầu tư của khối này cũng được đánh giá là an toàn và ổn định, với tỷ trọng 16% nguồn đầu tư vào kênh gửi tiết kiệm và khoảng 62% đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Năm qua, khối doanh nghiệp tái bảo hiểm đầu tư tài chính đạt 3.930 tỷ đồng. Trong đó, PVI Re đóng góp 887 tỷ đồng, tăng tới 78,5% so với năm 2012, toàn bộ số tiền này đều được gửi ở các tổ chức tín dụng. Vinare có tổng giá trị đầu tư 3.043 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với năm 2012. Tiền gửi ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong danh mục đầu tư của Vinare (63,8%), góp vốn vào doanh nghiệp khác chiếm 25,6% tổng danh mục đầu tư; đầu tư vào trái phiếu, công trái chiếm 6,2%; hoạt động ủy thác đầu tư chỉ chiếm 1,6%.
Có thể nói, năm 2013, dù thị trường chứng khoán đã có khởi sắc hơn sau một thời gian dài èo uột, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tỏ ra thận trọng với kênh đầu tư này và gửi tiết kiệm tiếp tục là kênh sinh lời được các doanh nghiệp ưu tiên. Chẳng hạn, trong tổng danh mục đầu tư tài chính của khối phi nhân thọ, giá trị khoản ủy thác đầu tư chỉ chiếm 9%; khoản góp vốn vào doanh nghiệp khác cũng chỉ chiếm 8%. Đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh chiếm 5%, kinh doanh bất động sản 1%.
“bối rối với bài toán sinh lời”
Dù tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều tuyên bố “đã dự báo được đường đi của lãi suất nên hoàn toàn chủ động ứng phó với điều này” và “hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng gì nhiều”, nhưng chia sẻ với phóng viên, một số CEO cho biết, có lúc khá bối rối với bài toán sinh lời cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo chuyên đề bảo hiểm phi nhân thọ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, lợi nhuận hoạt động tài chính của các doanh nghiệp trong khối này năm qua đạt 1.623 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2012. Đà giảm đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước, 11%. Trong khối này, vẫn có 12/29 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư.
Tình hình đầu tư của khối doanh nghiệp tái bảo hiểm có khả quan hơn, khi lợi nhuận từ hoạt động này trong năm 2013 đạt 370 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2012. Trong đó, Vinare đạt lợi nhuận 309 tỷ đồng từ hoạt động này, tăng 4,7% so với năm 2012; còn PVI Re thu lời 61 tỷ đồng, giảm 5,6%.
Để giải bài toán lợi nhuận từ tiền gửi sụt giảm, lãnh đạo PJICO cho biết, năm 2013, Công ty đã phải cơ cấu lại danh mục đầu tư tài chính; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động cho thuê văn phòng.
Còn theo lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt, tập đoàn đang sở hữu 100% vốn tại 2 công ty bảo hiểm là Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ, kết quả kinh doanh của Tập đoàn và các công ty con ít chịu ảnh hưởng của biến động lãi suất, do các hợp đồng tiền gửi và trái phiếu có lãi suất thả nổi chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong danh mục đầu tư năm 2013. Tập đoàn cũng thường xuyên rà soát các khoản đầu tư và lựa chọn kỳ hạn tái đầu tư hợp lý, nên hạn chế được rủi ro của lãi suất.
Giải bài toán lợi nhuận năm 2014 ra sao?
Năm 2014, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo vẫn duy trì ở mức thấp và đây tiếp tục là một áp lực đối với lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về biện pháp ứng phó trước việc lãi suất tiền gửi giảm, ông Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC cho biết, năm qua, nhìn nhận xu hướng lãi suất giảm, BIC đã chuyển kỳ hạn gửi tiền từ ngắn hạn sang dài hạn, để được hưởng mức lãi suất cao hơn. Nhờ vậy, dù tiền gửi vẫn chiếm tỷ trọng 80% trong cơ cấu đầu tư tài chính, nhưng vẫn đảm bảo ổn định lợi nhuận từ mảng này.
“BIC đã tạm dừng việc đầu tư vào các tài sản rủi ro như bất động sản, cổ phiếu từ vài năm trước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, BIC sẽ xem xét cơ cấu lại danh mục đầu tư, cân nhắc việc gia tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh, cổ phiếu…”, ông Tùng cho biết.
PJICO cũng cho biết, năm 2014, Tổng công ty vẫn duy trì nguyên tắc đầu tư an toàn và hiệu quả. PJICO đã xây dựng kế hoạch chi tiết về đầu tư tài chính theo nguyên tắc không đầu tư dàn trải.
Còn tại Vinare, cùng với việc rà soát, đánh giá cải thiện danh mục đầu tư, trong năm nay, Tổng công ty phấn đấu đạt lợi nhuận từ hoạt động đầu tư 351 tỷ đồng (tăng 113%) so với năm 2013.
Ở khối bảo hiểm nhân thọ, theo một chuyên gia trong ngành, rủi ro lãi suất liên quan đến các sản phẩm bảo hiểm truyền thống có thể được giảm thiểu, thông qua việc chia sẻ thu nhập với người tham gia bảo hiểm, theo cơ chế các hợp đồng có cấu phần không đảm bảo.
Điểm chung trong kế hoạch đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm là đề cao nguyên tắc an toàn. Bởi bài học gửi tiền không tuân theo nguyên tắc an toàn của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) vẫn còn rất mới. Đến hết năm 2013, VASS là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất không đáp ứng quy định về biên khả năng thanh toán (biên khả năng thanh toán thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu) và Bộ Tài chính vẫn đang theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp này thực hiện tái cấu trúc. Hay bài học đầu tư mạo hiểm vào thị trường chứng khoán, dẫn tới lợi nhuận năm 2013 của khối môi giới bảo hiểm sụt giảm mạnh.