Với số lượng hợp đồng khá khiêm tốn như hiện nay, nhiều khả năng sau 3 năm triển khai, Chương trình thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) khó có thể đạt mục tiêu đề ra.
Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2013, các DN bảo hiểm tham gia Chương trình thí điểm BHTDXK đã cấp được 21 hợp đồng, gồm 16 hợp đồng tái tục và 5 hợp đồng cấp mới, với tổng giá trị bảo hiểm là 6.825 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm là 12,6 tỷ đồng. Ngoài 2 hợp đồng thuộc đối tượng được hỗ trợ của Đề án thí điểm BHTDXK (gồm 1 hợp đồng của Bảo hiểm AIG và 1 hợp đồng của Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine), khách hàng đã được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm trong năm 2012, thì các hợp đồng còn lại đều không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ từ Đề án. Nguyên nhân là do ngành nghề được bảo hiểm không thuộc đối tượng khuyến khích BHTDXK tại Quyết định 2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc các DN bảo hiểm cấp hợp đồng trên cơ sở quy tắc BHTDXK của nhà nhận tái bảo hiểm, mà không phải quy tắc BHTDXK đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.
Là 1 trong 7 DN được giao thực hiện chương trình thí điểm này, từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm Bảo Minh có khoảng 12 hợp đồng tái tục và 1 hợp đồng mới (những khách hàng này cũng không được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm như trong Đề án, vì đều không thuộc ngành hàng được hỗ trợ). Đại diện một DN bảo hiểm nước ngoài cũng đang triển khai chương trình này cho biết, từ đầu năm đến nay, DN có 2 hợp đồng tái tục và 2 hợp đồng BHTDXK mới.
“Số hợp đồng mới chỉ đạt khoảng 25% kế hoạch đề ra từ đầu năm”, vị đại diện này nói và cho biết, những hợp đồng này đều được thực hiện với những DN xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài. “DN xuất khẩu Việt Nam cũng quan tâm đến BHTDXK, nhưng chủ yếu chỉ gọi điện để nắm thông tin về sản phẩm và mức phí, chứ chưa có ý định mua bảo hiểm”, vị này nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm, Bảo Minh có khoảng 12 hợp đồng BHTDXK tái tục và 1 hợp đồng mới
Theo các DN bảo hiểm, với số lượng hợp đồng còn khá khiêm tốn như vậy, nên có khả năng mục tiêu đến cuối năm 2013, tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được BHTDXK khó có thể thực hiện được.
Đại diện một DN đang tham gia sản phẩm bảo hiểm này cho rằng, những khó khăn khi triển khai BHTDXK vẫn là những khó khăn muôn thủa, chẳng hạn như nhận thức của các DN xuất khẩu về loại hình bảo hiểm này vẫn còn rất hạn chế, dù cho các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng và DN bảo hiểm rất tích cực tuyên truyền phổ biến. Ngoài ra, nhiều DN xuất khẩu cũng phản ánh, chưa thấy rõ ràng mức hỗ trợ 20% phí bảo hiểm như trong Đề án thí điểm vì DN không biết rõ định mức phí BHTDXK là bao nhiêu… Một khó khăn khác về phía các DN bảo hiểm đang triển khai sản phẩm này là muốn triển khai cũng phải có đối tác nước ngoài đủ mạnh để thẩm định, đánh giá rủi ro của khách hàng phía nước ngoài, nhưng khó khăn về kinh tế cũng khiến các đối tác này hạn chế nhận bảo hiểm và siết chặt việc đánh giá rủi ro.
Thực tế, dù còn rất nhiều khó khăn khi triển khai BHTDXK, nhưng các DN bảo hiểm vẫn đánh giá đây là một loại hình bảo hiểm rất tiềm năng, nên vẫn quyết tâm khai thác, dù xác định thời gian để các DN xuất khẩu hiểu hơn về ý nghĩa của sản phẩm không phải là “ngày một ngày hai”. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, dù đã được khởi động khá lâu, nhưng thực tế, các loại hình BHTDXK vẫn chưa được phổ biến tại Việt Nam do công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm vẫn còn hạn chế, phí bảo hiểm còn tương đối cao và nhận thức của các DN về loại hình bảo hiểm này đang còn hạn chế…
Do vậy, để BHTDXK ngày càng gắn với các DN xuất khẩu, bản thân các công ty bảo hiểm Việt Nam cần đưa ra chiến lược phát triển BHTDXK một cách tích cực và rõ ràng để thuyết phục được các DN. Được biết, hiện tại, các công ty bảo hiểm tham gia đề án thí điểm này đang rất tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, để các DN xuất khẩu thấy được tầm quan trọng của việc tham gia BHTDXK, xem đó như là một hoạt động thường xuyên, liên tục trong hoạt động xuất khẩu của DN.