Theo đó, Bảo Việt được giao đứng đầu hợp đồng bảo hiểm thủy sản (thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, thuyền viên khai thác hải sản) tại 10 địa phương, Bảo Minh và PJICO triển khai bảo hiểm tại 7 địa phương, PVI triển khai tại 4 địa phương trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có đội ngũ tàu thuyền khai thác hải sản. Đây được xem là cơ sở để triển khai mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu về bảo hiểm của ngư dân khai thác hải sản, với sự hỗ trợ của Nhà nước.
4 doanh nghiệp nêu trên là những doanh nghiệp hiếm hoi trong số 29 doanh nghiệp trên thị trường đáp ứng điều kiện khá ngặt nghèo về khả năng tài chính, chuyên môn nghiệp vụ, mạng lưới phủ khắp 28 tỉnh, thành ven biển.
Theo Thông tư 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngoài có vốn chủ sở hữu tối thiểu 800 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau: hệ thống quy trình khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm tai nạn thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ; có chương trình tái bảo hiểm để bảo vệ chương trình bảo hiểm khai thác hải sản; có chi nhánh tại tối thiểu 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu đăng ký hoạt động. Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải có tối thiểu 10 năm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó tối thiểu 5 năm triển khai bảo hiểm khai thác hải sản; có tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác hải sản trong 5 năm gần nhất đạt tối thiểu 15 tỷ đồng…
Theo tìm hiểu của ĐTCK, việc giao 4 doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu hợp đồng bảo hiểm tại từng tỉnh, thành cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó đó chỉ được phép chia sẻ đồng bảo hiểm với 3 doanh nghiệp còn lại. Chẳng hạn, Bảo Minh chỉ được chia sẻ đồng bảo hiểm với Bảo Việt, Bảo Minh và PJICO, chứ không được đồng bảo hiểm với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác. Trong khi đó, trước khi có chính sách mới mang tính hỗ trợ của Nhà nước về bảo hiểm tàu cá cho các ngư dân (trước khi có Nghị định 67), nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng triển khai loại hình bảo hiểm này.
Như vậy, sẽ chỉ có 4 doanh nghiệp lớn được “chơi” trên sân chơi bảo hiểm tàu cá, mà theo thống kê lên tới hơn 20.000 tàu, khiến một số doanh nghiệp khác có ý kiến, muốn được có tên trong danh sách.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lựa chọn doanh nghiệp bán bảo hiểm thủy sản kiểu “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện chủ trương của Chính phủ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cũng là điều dễ hiểu, nhằm đảm bảo chương trình được triển khai thành công. Giống như chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trước đó, cơ quan quản lý chỉ chọn 2 doanh nghiệp là Bảo Việt và Bảo Minh. Đây là các doanh nghiệp bảo hiểm lớn, có thể chấp nhận được rủi ro không may xảy ra tại nghiệp vụ được xem là dễ trục lợi bảo hiểm.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện các doanh nghiệp được lựa chọn triển khai bảo hiểm thủy sản cho biết, doanh nghiệp có những lo ngại nhất định về khả năng lỗ nghiệp vụ, nguy cơ trục lợi bảo hiểm khó lường… Mặc dù vậy, doanh nghiệp sẽ đồng hành, nỗ lực hết mình để hỗ trợ ngư dân.
Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên với các mức như sau: 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV, 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)