Bảo hiểm thất nghiệp: Cần gỡ vướng!

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thị trường lao động phát triển với lực lượng lao động từ các tỉnh, thành khác tập trung về tìm kiếm việc làm rất lớn, nên bước đầu triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của TP. Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn…

 

CôngThương – Số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP cho thấy, kể từ ngày thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp (ngày 4/1/2010) đến thời điểm ngày 20/9/2013, số người đăng ký thất nghiệp là 413.129; số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 344.656, trong đó có 340.894 trường hợp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, đại diện cho người lao động TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các quy định thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong thời gian đầu, người lao động khi thất nghiệp phải đăng ký trong 7 ngày. Tuy nhiên, thực tế, cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều chưa nắm rõ quy định này, làm cho một số người không được hưởng chính sách do chậm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Quy định người được trợ cấp thất nghiệp sau 15 ngày đăng ký thất nghiệp vẫn chưa tìm được việc làm, cũng gây khó khăn cho trung tâm giới thiệu việc làm trong khâu xác định tình trạng của người lao động.

Mặt khác, người lao động khi thôi việc, mất việc chỉ muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ không quan tâm đến chính sách hỗ trợ tìm việc làm cũng như hỗ trợ học nghề. Mặt khác, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị hạn chế, tạo sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế bị khủng hoảng, nhưng doanh nghiệp dưới 10 lao động không được tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
TP. Hồ Chí Minh có trên 100.000 doanh nghiệp và 380.000 cơ sở sản xuất- kinh doanh cá thể đang hoạt động, trên 4,3 triệu lao động làm việc trong các thành phần kinh tế, trong đó có trên 2 triệu người từ nơi khác đến sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Với số liệu giải quyết bảo hiểm thất nghiệp tăng hàng năm cho thấy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã dần đi vào quỹ đạo của cuộc sống. Tuy nhiên, theo ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh, chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa đi đúng với bản chất của một chính sách an sinh xã hội mà chỉ mới thể hiện việc tạm thời thay thế trợ cấp thôi việc hoặc mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động. “Việc hạn chế đối tượng tham gia thể hiện sự phân biệt giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người lao động với người lao động” – ông Dũng nói. Do đó, nếu chính sách bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng thống nhất sẽ tốt hơn nhiều so với trợ cấp thất nghiệp riêng lẻ của từng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

Để việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả hơn, Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh đề xuất: Cần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể là áp dụng cho cả người lao động làm việc theo loại hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên và doanh nghiệp có sử dụng lao động. Đồng thời kiến nghị: Quy định đăng ký thất nghiệp qua hệ thống mạng góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian của cơ quan nhà nước và người lao động.

Nguồn:baocongthuong.com.vn

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.