Trong một báo cáo có đề cập đến vị thế của DN trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo Minh (Bảo Minh) thừa nhận, Bảo Minh đã chính thức mất vị trí số 2 về thị phần do sự tăng trưởng nhanh chóng của Bảo hiểm PVI.
Ngoài những lợi thế riêng của DN bảo hiểm chuyên ngành thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN), thì sự vượt lên của Bảo hiểm PVI, theo ông Đức, còn do “sự chuyển đổi về bảo hiểm hàng không”.
Còn nhớ, năm 2007, Bảo Minh gây tiếng vang trên thị trường bảo hiểm khi trở thành nhà bảo hiểm gốc đứng đầu hợp đồng bảo hiểm hàng không giá trị tới trên 4 tỷ USD với Vietnam Airlines cùng với Bảo Việt. Nhưng chỉ sau đó 2 năm, vào năm 2009, với sự tham gia của Bảo hiểm PVI trên “sân chơi bầu trời”, cục diện cạnh tranh trên phân khúc này đã dần thay đổi.
Đến cuối năm 2014, Bảo hiểm PVI đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh để trở thành nhà bảo hiểm gốc đứng đầu liên danh bao gồm 3 nhà bảo hiểm gốc Việt Nam cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng không trọn gói cho đội máy bay của Vietnam Airlines trị giá 6 tỷ USD, với giá trị bồi thường mỗi vụ lên tới 2 tỷ USD.
Từ đó đến nay, sự mất dần thị phần tại mảng bảo hiểm hàng không và sự tăng trưởng chậm chạp tại các mảng nghiệp vụ khác kéo Bảo Minh đi chậm lại trong cuộc đua tăng trưởng doanh thu, giành thị phần rát rạt tại các DN bảo hiểm đứng kế tiếp.
Trong nội khối DN nằm trong Top 5 thị phần, nhìn vào diễn biến tăng trưởng doanh thu 2011 – 2015, có thể thấy, doanh thu của Bảo Minh đang tăng trưởng chậm hơn hẳn so với 4 DN còn lại là Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, PTI và PJICO (xem bảng), dẫn đến việc nhà bảo hiểm này mất dần thị phần vào tay đối thủ và ngày càng giữ khoảng cách xa với vị trí thứ 2 về thị phần.
Nếu chỉ hoàn thành kế hoạch doanh thu như đề ra trong năm nay là 3.200 tỷ đồng thì trong năm nay, Bảo Minh khó giữ được vị trí số 3 thị phần, khi đối thủ kế sau là PTI đặt kế hoạch doanh thu sát nút, 3000 tỷ đồng và đang tăng tốc.
Bên cạnh những điểm mạnh liên quan đến uy tín thương hiệu, xây dựng được một nền tảng khách hàng lớn và có mối quan hệ tốt với những phân khúc thị trường khác nhau, một số hạn chế cũng được Bảo Minh chỉ ra, liên quan đến chiến lược kinh doanh, chính sách phát triển sản phẩm.
Không riêng Bảo Minh, mà một số DN bảo hiểm cũng thừa nhận, chính sách phát triển sản phẩm, đặc biệt là khâu marketing vẫn là tồn tại, dẫn đến mất thị phần.
Một vài DN lớn, trong đó có PJICO đã viện lý do tập trung vào hiệu quả hoạt động để giải thích cho việc mất thị phần trong năm 2015. DN này đã lùi xuống vị trí số 5, nhường chỗ cho PTI. BIC từ năm 2010 đã tuyên bố điều chỉnh chiến lược hoạt động, theo đó không tăng thị phần bằng mọi giá, mà đặt mục tiêu hiệu quả lên hàng đầu.
Ngoài tháo gỡ những bước cản như cân bằng lợi nhuận – doanh thu, tăng tiềm lực, vị thế sẵn có, sát sao nhu cầu khách hàng… để lấy lại thị phần đã mất, một số DN đang lên kế hoạch đầu tư mạnh cho kênh phân phối cùng chất lượng dịch vụ. Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống là đại lý, môi giới thì kênh khai thác qua ngân hàng đang được các nhà bảo hiểm đẩy mạnh theo xu thế phát triển chung.
“Chúng tôi buộc phải chạy nhanh hơn, nếu không muốn loại mình khỏi đường đua”, lãnh đạo một DN bảo hiểm khẳng định.
Trở lại với Bảo Minh, lãnh đạo DN này cho biết đã xây dựng những chính sách mới về marketing nhằm tạo sự cộng hưởng cho phát triển doanh thu và lợi nhuận để gia tăng thị phần trong giai đoạn tới.
Còn tại Bảo hiểm Hàng không (VNI), thừa nhận thương hiệu VNI còn mờ nhạt, CEO doanh nghiệp này cho biết sẽ chú trọng công tác marketing trong thời gian tới đây.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)