Hiện khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang nghiên cứu các sản phẩm mới, tiềm năng như: bảo hiểm khách du lịch lữ hành, các hoạt động du lịch mạo hiểm; bảo hiểm hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài (rau, hoa quả, động vật tươi sống…); bảo hiểm vật chất xe ô tô theo phương thức bồi thường bằng thay thế phụ tùng mới và công thay thế trong bối cảnh giá xe hạ, số lượng ô tô tăng khi thuế suất thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0% với các nước ASEAN vào năm 2018, Nhật Bản năm 2022, châu Âu và các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2023.
Liên quan đến các sản phẩm mới, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đề nghị Bộ Tài chính ban hành quy tắc, điều khoản, điều kiện và biểu phí bảo hiểm với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp công chứng, bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh, bảo hiểm tàu sông, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chứng khoán, bảo hiểm trách nhiệm nghề môi giới bảo hiểm, đồng thời thúc đẩy tiến độ xây dựng sản phẩm
bảo hiểm thiên tai, trong đó có bảo hiểm tài sản công và bảo hiểm
nông nghiệp.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2016, khối các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt tổng doanh thu phí là 27.084 tỷ đồng, tăng 12,69% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong cơ cấu doanh thu, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục dẫn đầu với 8.773 tỷ đồng, tăng 24,92%. Tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe, đạt 6.704 tỷ đồng, tăng 21,48%; bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt 4.459 tỷ đồng, giảm 11,66%; bảo hiểm cháy nổ đạt 2.284 tỷ đồng, tăng 18,98%; bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt 1.746 tỷ đồng, tăng 9,72%; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt 1.628 tỷ đồng, giảm 5,86%.
Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm: bảo hiểm trách nhiệm đạt 583 tỷ đồng, tăng 20%; bảo hiểm hàng không đạt 533 tỷ đồng, tăng 16,59%; bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính đạt 140 tỷ đồng, tăng 44,77%; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh đạt 171 tỷ đồng, tăng 68,62%; bảo hiểm nông nghiệp đạt 38 tỷ đồng, giảm 27,6%.
theo tinnhanhchungkhoan.vn