Sau một thời gian tạm dừng, thậm chí là thu hẹp mạng lưới hoạt động để giảm thiểu chi phí do kinh tế suy thoái, gần đây, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại tính chuyện phát triển mạng lưới của mình.
Thời gia tới, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ tiếp tục “phủ sóng” tới nhiều địa bàn
Cùng với kế hoạch tăng vốn, một trong các giải pháp đẩy mạnh kinh doanh của CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) trong năm 2014 là rà soát mạng lưới kinh doanh, bổ sung nguồn lực cho các địa bàn mỏng, yếu. Đặc biệt, BIC sẽ thành lập thêm công ty thành viên tại một số địa bàn trọng điểm, địa bàn rộng như Hà Nội, TP. HCM,… nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của các đơn vị thành viên.
Trong kế hoạch kinh doanh trình ĐHCĐ tới đây, Bảo hiểm PTI cho biết, cùng với kế hoạch thành lập mới các công ty thành viên, hệ thống hóa, quy chuẩn hệ thống phòng kinh doanh khu vực, trong năm nay, Tổng công ty cũng sẽ kiện toàn tổ chức và tăng cường hiệu quả hoạt động của công ty liên doanh tại Lào và mở văn phòng đại diện tại Myanmar.
Còn Bảo hiểm Bảo Việt, dù chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể, nhưng cũng xác nhận sẽ tiếp tục “phủ sóng” tới nhiều địa bàn. Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Minh lại cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp trong năm 2014 là tiếp tục đẩy nhanh việc mở rộng kênh khai thác, nhằm phủ kín các địa bàn. Những tín hiệu khả quan của thị trường là một trong những động lực giúp nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch “phủ sóng” của mình.
Tiếp tục mở rộng thị trường để tăng thị phần là tham vọng của hầu hết các công ty bảo hiểm, bởi sự hiện diện ở nhiều tỉnh thành mới sẽ tạo cơ hội để phát triển thương hiệu cũng như tăng thêm doanh thu khai thác mới. Tuy nhiên, kế hoạch này không phải công ty nào cũng thực hiện được.
Được biết, một số công ty bảo hiểm có thị phần nhỏ đang có kế hoạch đóng cửa một số chi nhánh hoạt động không hiệu quả. Những công ty này hầu hết là những công ty hoạt động thua lỗ và có tỷ lệ bồi thường cao so với thị trường, nên đang phải tự tái cấu trúc nếu không muốn tiếp tục rớt hạng và bị xếp vào diện bị kiểm soát đặc biệt.
Điều này, theo nhiều chuyên gia trong ngành, là một dấu hiệu tốt và cũng là điều mà các công ty bảo hiểm có chi nhánh hoạt động theo kiểm cầm chừng nên làm. Bởi việc mở chi nhánh ồ ạt không chỉ khiến chi phí cố định của doanh nghiệp tăng cao mà còn khiến thương hiệu của họ bị ảnh hưởng, khi buộc lòng phải rút khỏi một địa bàn. Vì thế, việc mở thêm chi nhánh có thể tạo thêm doanh thu, nhưng chưa chắc đã đủ bù đắp chi phí, chứ đừng nói đến hiệu quả.
Ví dụ, các địa bàn như Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… sẽ là những địa bàn thách thức lớn đối với sự thành công của doanh nghiệp bảo hiểm bởi vì số lượng khách hàng tiềm năng không nhiều.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc Maketing Bảo hiểm Liberty cho biết, Công ty không có kế hoạch mở thêm chi nhánh vì đội ngũ kinh doanh của Công ty có thể truy cập vào hệ thống công nghệ thông tin từ bất cứ nơi nào để làm báo giá hay phát hành hợp đồng bảo hiểm. Đó là chưa kể đến khả năng bán bảo hiểm trực tuyến và qua điện thoại.
Ngoài ra, Liberty đã ký hợp đồng hợp tác với hệ thống garage chính hãng trải dài trên toàn quốc. Các garage này sẽ là những người làm giám định ban đầu cho Liberty. Vì thế, ở đâu khách hàng cũng có thể được phục vụ, nên việc mở thêm chi nhánh là không cần thiết. Được biết, trong quý I/2014, Liberty đã vượt chỉ tiêu doanh thu và có lợi nhuận. Như vậy, sau 7 năm hoạt động, Bảo hiểm Liberty đã bắt đầu bước vào giai đoạn hòa vốn và có lãi.
“Thành tích này không chỉ nhờ Công ty đã đạt đến quy mô cần thiết mà còn vì tối ưu hóa thế mạnh về công nghệ, quy trình và dịch vụ khách hàng cùng với việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống trục lợi bảo hiểm”, ông Phạm Trường Khánh cho biết.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có thể thực hiện theo hướng đi của Liberty, bởi việc đầu tư vào hệ thống công nghệ, ngoài vốn đầu tư lớn, cần sự cam kết mạnh mẽ của toàn bộ ban lãnh đạo và nhân viên đối với những thay đổi toàn diện trong quy trình làm việc.
Theo (ĐTCK)
Bảo Hiểm Bảo Việt