(TBTCO) – Cơ sở cho niềm tin này là những dấu hiệu khởi sắc của thị trường chứng khoán, cộng với niềm tin Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương sớm được ký kết sẽ tạo cú hích, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế, qua đó tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm…
Đây là nhận định của ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty bảo hiểm BIDV (BIC) trong cuộc trao đổi với PV TBTCO.
* Thưa ông, 6 tháng đầu năm 2014, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Còn kết quả của BIC thì sao, thưa ông?
– Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm gốc hợp nhất của BIC đạt 583,4 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ BIC, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 476,9 tỷ đồng, tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 67,2 tỷ đồng, tăng trưởng 25,7% và hoàn thành 52% kế hoạch cả năm. Tính tới thời điểm 30/6/2014, tổng tài sản hợp nhất của BIC là 2.761,9 tỷ đồng, vốn điều lệ sau 2 lần tăng trong năm 2014 đạt 762 tỷ đồng.
|
Hai Liên doanh của BIC tại Lào và Campuchia cũng có kết quả kinh doanh tốt, đặc biệt là Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) có doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 60% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 106% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả mà BIC đạt được là tương đối khả quan và bám sát kế hoạch đề ra trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng trong nửa năm đầu 2014 chưa có nhiều chuyển biến tích cực
* Hiện nay, các DN bảo hiểm đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ bồi thường cho các DN bị thiệt hại sau sự cố xảy ra tại Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai. Sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh doanh thời gian tới của các DN bảo hiểm nói chung và BIC nói riêng?
– Theo thông tin từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tổng số tiền bồi thường sau sự cố là 2.500 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các DN bảo hiểm đã tiến hành giám định thiệt hại, thu thập hồ sơ tài liệu chứng từ, bước đầu tạm ứng bồi thường 115 tỷ đồng cho khách hàng tại Bình Dương, gần 40 tỷ đồng cho khách hàng tại Đồng Nai, hơn 20 tỷ đồng tại Hà Tĩnh.
Về phía BIC, sự cố này đã gây thiệt hại cho khách hàng của BIC gần 20 tỷ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản. Quán triệt chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tài chính, BIC đã khẩn trương thực hiện công tác giải quyết bồi thường, tạm ứng tiền bồi thường nhanh chóng và kịp thời cho khách hàng.
Theo đánh giá của chúng tôi, đây là sự cố ngoài mong muốn của các DN bảo hiểm nói chung và BIC nói riêng. Bởi nếu so sánh tổng thiệt hại của sự cố này là 2.500 tỷ với tổng chi phí bảo hiểm mảng phi nhân thọ toàn thị trường trong cả Quý I/2014 thì có thể thấy, đây là một con số rất lớn, ảnh hưởng nhất định tới kết quả kinh doanh của các DN bảo hiểm.
* Vậy thưa ông, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra, những tháng cuối năm BIC sẽ có giải pháp gì?
– Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2014, trong các tháng cuối năm BIC sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống bằng các giải pháp phù hợp với từng địa bàn, đơn vị thành viên.
BIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ và xác định đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy doanh thu trong các tháng cuối năm. Ảnh: T.L |
Đồng thời, BIC tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ và xác định đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy doanh thu trong các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, BIC sẽ tiếp tục khai thác lợi thế của hệ thống BIDV để đẩy mạnh kênh bán hàng Bancassurance. Đối với các liên doanh tại hải ngoại, BIC sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, đặc biệt là trong công tác thiết kế sản phẩm đặc thù để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường Lào và Campuchia, đóng góp vào doanh thu chung của BIC…
* Các chuyên gia bảo hiểm cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 2 con số của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2014 có thể đạt được. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
– Tốc độ tăng trưởng 7,3% trong nửa đầu năm đã cho thấy những nỗ lực lớn của các DN bảo hiểm vượt qua khó khăn, thách thức để tái cơ cấu, tăng cường năng lực cạnh tranh để phát triển an toàn và hiệu quả.
Như đã chia sẻ từ đầu năm, tôi cho rằng năm 2014 vẫn sẽ là một năm thử thách với các DN bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy vậy, trên cơ sở những nỗ lực của các DN trong những tháng đầu năm, các DN bảo hiểm vẫn có cơ sở để tin tưởng vào một năm kinh doanh thành công với những giải pháp, nỗ lực của Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm được ký kết sẽ tạo cú hích cho ngành tài chính ngân hàng, góp phần giải quyết những ách tắc, qua đó, tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán vừa qua đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, đây cũng là cơ hội để các DN bảo hiểm đa dạng hóa danh mục đầu tư, nâng cao mức sinh lời. Vì thế tôi nghĩ rằng mục tiêu tăng trưởng hai con số của toàn thị trường sẽ không phải là quá khó.
* Xin cảm ơn ông!