Những ngày đầu tháng 2/2014, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) chính thức công bố Công ty TNHH Firstland – một công ty chuyên đầu tư chứng khoán có trụ sở tại Hong Kong, mua thành công 4.253.200 cổ phiếu BMI (chiếm 5,63% vốn điều lệ) từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và trở thành cổ đông lớn thứ ba của Bảo Minh.
Trước đó, tổ chức này chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu BMI nào. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Bảo Minh có hai cổ đông lớn nước ngoài là Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm AXA (Pháp) nắm giữ 16,65% vốn điều lệ và Công ty TNHH Firstland nắm giữ 5,63% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, một nhà đầu tư đến từ châu Âu đang xúc tiến tìm hiểu để có thể trở thành đối tác của Bảo hiểm Viễn Đông. Tuy nhiên, mọi thông tin về thương vụ này đến nay vẫn còn trong vòng bí mật.
Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là BIC cũng đưa ra quyết tâm sẽ chốt được đối tác chiến lược ngoại trong năm nay. Đây là kế hoạch BIC đề ra từ khi cổ phần hóa năm 2010, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau (kinh tế khó khăn, giá cổ phiếu sụt giảm…) nên kế hoạch này vẫn chưa thành hiện thực. Hay trong một động thái khác, sau khi mua lại toàn bộ cổ phần của bảo hiểm AAA, hãng bảo hiểm IAG của Úc đã và đang tiến hành tái cấu trúc toàn bộ Công ty, ngay cả địa điểm đặt trụ sở Công ty cũng được thay đổi.
Cũng như Bảo hiểm AAA, sau khi trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn bảo hiểm nổi tiếng của Đức là ERGO, Bảo hiểm GIC đã tiến hành tái cơ cấu. Sau một thời gian quyết tâm tái cơ cấu với sự hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm của đối tác chiến lược, GIC đã tạo được một vị thế trên thị trường.
Thực tế, việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không chỉ giúp các doanh nghiệp này giải quyết được bài toán tăng vốn và áp lực mở rộng thị trường, mà điều quan trọng hơn, sự hợp tác này giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tận dụng kinh nghiệm của đối tác để nâng cao nghiệp vụ và khả năng phục vụ khách hàng.
Đặc biệt, đối với ngành bảo hiểm, đối tác là những doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm sẽ là ưu tiên hàng đầu, bởi ngoài việc bổ sung năng lực cho doanh nghiệp, thì việc hợp tác với các đối tác ngoại cũng giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
Được biết, trong năm 2014, Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ có những chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ phát triển, như quy định giảm mức đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới xuống 1%; hỗ trợ đưa bảo hiểm nông nghiệp vào triển khai đại trà; hỗ trợ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sau thí điểm; hỗ trợ công tác chuẩn bị triển khai bảo hiểm năng lượng nguyên tử, bảo hiểm vi mô…
Bên cạnh đó, kế hoạch tái cơ cấu về vốn, thực hiện đề án của Thủ tướng Chính Phủ tại các doanh nghiệp có cổ phần Nhà nước cũng vẫn tiếp tục được thực hiện. Trong đó, chủ trương giảm dần vốn ngân sách Nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ giúp các doanh nghiệp khối này chủ động hơn trong việc tìm đến các đối tác nước ngoài có tiềm lực mạnh về tài chính để hợp tác.
Chính sự liên kết này khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm cao hơn trong hiệu quả kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, từ đó cũng dần trở nên chuyên nghiệp hơn, tác động tích cực tới thương hiệu của doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng.
Bán cổ phần cho đối tác bảo hiểm nước ngoài sẽ là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn trên thị trường đều có đối tác chiến lược và xu thế này cũng không ngoại lệ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhóm dưới.