Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, số lượng hợp đồng khai thác mới 3 tháng đầu năm 2017 đạt 364.451 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 364.132 hợp đồng cá nhân (tăng 31%) và 319 hợp đồng nhóm (giảm 84%) với chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm hưu trí.
Trong bối cảnh doanh thu bảo hiểm nhóm đang trên đà đi xuống, bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, doanh thu bảo hiểm nhóm của Công ty vẫn tăng trưởng khoảng 20%.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, có sự tăng trưởng là bởi bảo hiểm hiểm sức khỏe nhóm (group medical) vốn là thế mạnh của hãng bảo hiểm đến từ nước Ý này, được bán chủ yếu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm của Generali Việt Nam cũng khá cạnh tranh so với một số sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khác đang triển khai trên thị trường.
Tương tự, Sunlife Việt Nam trước khi trở thành công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài cũng là một trong những hãng bán bảo hiểm nhóm khá tốt trên thị trường. Sunlife Việt Nam chủ yếu bán sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Chiến lược bán hàng của hãng bảo hiểm này khi mới vào thị trường Việt Nam chính là tập trung phục vụ khách hàng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn…
Thế mạnh về bảo hiểm hưu trí bán cho doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố nhanh chóng đưa Sunlife Việt Nam lên vị trí thứ 6 thị trường về doanh thu phí khai thác mới trong năm qua.
“Dù xác định bảo hiểm nhóm, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí, tiếp tục là một trong những thế mạnh trong chiến lược phát triển sản phẩm tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhưng sau khi trở thành công ty 100% vốn nước ngoài, việc tiếp cận và triển khai bảo hiểm nhóm của chúng tôi sẽ có những bước đi mới”, đại diện của Sunlife Việt Nam cho hay.
Một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đang bán khá tốt ở phân khúc bảo hiểm nhóm là Dai-ichi Life Việt Nam, nhưng cũng chủ yếu là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm An tâm và An phúc hưng thịnh), chứ không phải các sản phẩm bảo hiểm hưu trí.
Được biết, mới đây, Dai-ichi Life Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Mai Linh. Theo đó, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ thiết kế và cung cấp giải pháp tài chính riêng cho 15.000 nhân viên của Tập đoàn Mai Linh, thời hạn bảo vệ lâu dài từ 10-15 năm với nhiều quyền lợi.
Ông Trần Đình Quân, Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, bên cạnh chế độ lương thưởng, bảo hiểm nhân thọ chính là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp khi tìm kiếm những chương trình phúc lợi cho nhân viên, nhằm duy trì nguồn nhân lực gắn bó lâu dài với công ty…
Tất nhiên, khi triển khai bảo hiểm nhóm để bán cho các doanh nghiệp kinh doanh, các công ty bảo hiểm nhìn nhận, đây là một chính sách phúc lợi, một sự tưởng thưởng cho các nhân sự muốn gắn bó dài lâu với doanh nghiệp, đồng thời cũng là cách để doanh nghiệp giữ chân nhân sự.
Thị trường Việt Nam, với sự tham gia ngày càng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm mới, với đủ các thành phần kinh tế, chính là “mảnh đất” màu mỡ cho các sản phẩm bảo hiểm nhóm phát triển. Tuy nhiên, thực tế dường như không “chiều lòng” các công ty bảo hiểm. Bới chỉ có một số tập đoàn kinh tế lớn và các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và mua bảo hiểm nhóm cho nhân viên, còn đại đa số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến loại hình phúc lợi này.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nói rằng, thực tế, trên thị trường chỉ có một vài doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thành công sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhóm.
Thực tế, doanh thu phí bảo hiểm nhóm hụt hơi một phần là do việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm khác như tiết kiệm đầu tư, hưu trí không thuận lợi. Ngoài khó khăn về kinh tế khiến doanh nghiệp không mặn mà mua thêm bảo hiểm cho nhân viên, việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhóm cũng bị ảnh hưởng bởi một số quy định về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh là một nguyên nhân khiến doanh thu của bảo hiểm nhóm của toàn thị trường không còn tăng trưởng mạnh như trước đây.
theo tinnhanhchungkhoan.vn