Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang ở giai đoạn hoàn tất các thủ tục và điều kiện cần thiết khác để giới thiệu tới khách hàng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được bán trực tuyến. Các công ty bảo hiểm đều đang tập trung đầu tư vào con người, hệ thống quản trị và đào tạo để dẫn dắt, triển khai các sáng kiến kỹ thuật số, hướng đến các phương thức tiếp cận khách hàng, các quy trình đơn giản, quản lý đơn bảo hiểm và dịch vụ hiệu quả cao.
Tại một hội thảo về phát triển bảo hiểm nhân thọ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được tổ chức mới đây, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang có xu hướng phát triển các sản phẩm đơn giản hóa, tiêu chuẩn hóa phù hợp với nhu cầu của người dùng, cũng như bán online.
Theo ông Dũng, xu hướng này sẽ xuất hiện những sản phẩm có tính cá thể hóa cao, được thiết kế phù hợp với nhu cầu bảo vệ của từng cá nhân, sản phẩm bảo hiểm thân thiện, tích cực, khuyến khích người tham gia bảo hiểm tập luyện tăng cường sức khoẻ, có độ tương tác cao với người tham gia bảo hiểm…
“Về dịch vụ bảo hiểm, đó là việc khách hàng có thể tiếp cận, truy cập tài khoản bảo hiểm của mình mọi lúc mọi nơi, cung cấp thêm nhiều trải nghiệm cho khách hàng; giảm thiểu thời gian giải quyết khiếu nại của khách hàng. Theo đó, xu hướng sẽ là phát triển mạnh mẽ kênh online, bao gồm bán bảo hiểm qua website của doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử online về bảo hiểm, qua mạng xã hội và các mô hình kinh doanh mới như mô hình bảo hiểm mạng đồng đẳng tương hỗ P2P (peer to peer insurance)…”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, tuy cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho ngành bảo hiểm nhiều lợi ích như gia tăng kênh bán hàng, phương tiện tương tác, cơ hội có được dữ liệu toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức như sự tụt hậu (nếu doanh nghiệp không theo kịp xu thế), an ninh mạng, việc thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu cá nhân, phân biệt đối xử trên hệ thống bán bảo hiểm online, cắt giảm lao động…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về sự cạnh tranh giữa kênh bán bảo hiểm trực tuyến với các kênh bán hàng truyền thống, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ trong tốp đầu thị trường nói rằng, sẽ không có sự triệt tiêu lẫn nhau giữa các mô hình này, bởi sản phẩm thiết kế cho mỗi kênh hay phân khúc khách hàng mục tiêu là khác nhau.
“Tuy nhiên, để phục vụ tốt khách hàng của mình, mỗi đại lý hay tư vấn viên đều phải thích ứng, cập nhật những xu thế mới của công nghệ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Theo ông Lục Tài Ba, Phó tổng giám đốc Phát triển và kinh doanh miền Bắc của Generali Việt Nam, bên cạnh kiến thức chuyên môn, khả năng nhạy bén nắm bắt xu hướng thay đổi của công nghệ cũng là một lợi thế.
Ông Ba cho hay, tại Generali, cách mạng công nghệ 4.0 đang từng bước tạo ra sự thay đổi trong trải nghiệm dịch vụ khách hàng, với các ứng dụng công nghệ số như Genova, GENPS, GenClaims… Đây là những yếu tố khác biệt giúp Generali “đi tắt đón đầu” trong chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm.
“Hiện nay, việc ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam phát triển theo xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ mở ra những cơ hội công việc hấp dẫn, đồng thời thử thách tài năng của các bạn trẻ. Với Generali Việt Nam, cơ hội luôn rộng mở cho những người trẻ muốn phát triển sự nghiệp gắn với mục tiêu lớn của Công ty”, ông Ba nhấn mạnh.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn