Việc nhiều tập đoàn bảo hiểm nhân thọ (BHNT) lớn lần lượt đổ bộ vào Việt Nam cho thấy thị trường BHNT của Việt Nam vẫn là điểm đến nhiều hứa hẹn dù tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại trong vài năm qua.
Sân chơi khối ngoại
Theo ước tính của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài Chính), doanh thu phí BHNT năm 2012 ước đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 12%, thấp hơn so với dự báo hồi đầu năm do hầu hết DN không đạt doanh thu như mong đợi.
Năm 2013, dự báo tăng trưởng có phần khiêm tốn hơn do nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, với dân số gần 90 triệu người nhưng mới khoảng 10% người dân có hợp đồng BHNT, thị trường Việt Nam vẫn là miếng bánh hấp dẫn với các “đại gia” nước ngoài.
Chính vì thế, bất chấp những khó khăn trước mắt, thị trường vẫn đón nhận thêm những DN mới. Đầu tiên phải kể đến sự góp mặt của Công ty Bảo hiểm Generali của Italia vào tháng 5-2012.
Tiếp đến, tháng cuối năm thị trường có thêm một “đại gia” khác đến từ Nhật Bản là Công ty Sumitomo Life, khi hãng này chính thức trở thành đối tác chiến lược của Bảo Việt thông qua việc mua lại 18% cổ phần từ HSBC.
Bước sang năm 2013, ngay trong những ngày đầu năm, thị trường đón nhận thêm sự ra đời của PVI Sun Life, một liên doanh giữa CTCP PVI và Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Sun Life Financial (Canada).
Có thể thấy, tính đến thời điểm này thị trường BHNT Việt Nam hoàn toàn là sân chơi của khối ngoại khi chúng ta chỉ có 1 đại diện duy nhất là Bảo Việt nhân thọ.
Tuy nhiên, cái nhiều người quan tâm là nhiều DN tham gia như vậy liệu có đánh thức được tiềm năng thị trường trăm người bán chưa có vạn người mua. Và những cái tên mới liệu có làm thay đổi cục diện thị trường cũng như nhận thức của người dân trong việc mua BHNT hay không?
Trả lời những câu hỏi này, hầu hết DN đều tỏ ra tự tin vào sự phát triển của mình trong dài hạn. Ông Back Jong Kook, Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, cho biết: “Hanwha Life Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm là 1 trong những công ty BHNT có tỷ lệ duy trì 2 năm cao nhất (trên 65%) và đạt 10% thị phần. Riêng trong năm 2012, Hanwha Life Việt Nam đã vươn đến 168 tỷ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm, đạt 112% mục tiêu đề ra”.
Nếu tham vọng thị phần của các DN trở thành hiện thực, có thể một cục diện mới về thị phần BHNT sẽ được hình thành. Và những cái tên như Prudential, Bảo Việt nhân thọ, Manulife sẽ phải cẩn trọng với thứ hạng của mình. Tất nhiên, cơ hội luôn đồng hành với thách thức, thị trường BHNT Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này.
Coi chừng bị loại
Sự rút lui của bảo hiểm New York Life (Hoa Kỳ) và bảo hiểm Allizans của Pháp cũng được xem như là một lời cảnh báo cho sự khó nhằn của thị trường BHNT Việt Nam.
Hiện nay, các công ty BHNT đang phải đứng trước rất nhiều khó khăn. Có nhiều DN cùng tham gia kinh doanh, khách hàng sẽ được hưởng lợi, song chính điều này khiến việc duy trì hợp đồng cũ luôn là một thách thức không nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ từ một số công ty bảo hiểm, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ hủy hợp đồng BHNT năm đầu khá cao.
“Cạnh tranh không lành mạnh, câu kéo khách hàng lẫn nhau và việc chưa có một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp chính là những nguyên nhân gây ra tình trạng hủy hợp đồng” – tổng giám đốc một DN chia sẻ.
Có lẽ đó cũng chính là lý do để các công ty, đặc biệt là những công ty mới, đang tạo khác biệt bằng chính đội ngũ đại lý bán hàng – kênh mang về 97% doanh thu của thị trường BHNT Việt Nam.
Trong việc phát triển đại lý bán hàng, gần đây mô hình phát triển đội ngũ đại lý ngoại hạng như AIA đang được quan tâm.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhận xét về mô hình này của AIA: “Để nâng cao chất lượng đại lý, các công ty bảo hiểm cần gấp rút đào tạo lại những gì đại lý còn khiếm khuyết. Chiến lược ưu tiên phát triển đại lý ngoại hạng của AIA Việt Nam sẽ rất hay nếu thực hiện đúng cách. Tôi kỳ vọng đây sẽ là một hình mẫu cho việc phát triển hệ thống đại lý của thị trường bảo hiểm”.
Cũng theo ông Phùng Đắc Lộc, với việc tập trung vào tuyển dụng đúng cách và đào tạo lực lượng đại lý chuyên nghiệp, các công ty bảo hiểm sẽ sớm thay đổi hình ảnh của đại lý BHNT. Tất nhiên, việc phát triển thêm đại lý cũng là một thách thức vì nó đòi hỏi phải đầu tư liên tục trong khi tình trạng “rơi rụng” trong năm đầu thường xuyên xảy ra.
Bước vào sân chơi BHNT, các công ty phải có một số vốn điều lệ tối thiểu không nhỏ và chấp nhận lỗ trong khoảng từ 8-10 năm, chính vì vậy việc thiếu đi những cái tên nội cũng là điều dễ hiểu. Và rất có thể trong vài năm tới thị trường sẽ còn nhiều cái tên ngoại tham gia.
Chưa ai có thể dự đoán trước điều gì, nhưng nếu thiếu cẩn trọng rất có thể sẽ có thêm một vài cái tên nữa bị loại trong cuộc đua đường trường.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo saigondautu)