Bảo hiểm nhân thọ 2014: Phía sau tốc độ tăng trưởng cao

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam 2014 vẫn tăng trưởng mạnh, bất chấp các tín hiệu kinh tế chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ. Mức tăng trưởng phí bảo hiểm khai thác mới của một số doanh nghiệp trong khối tính đến cuối tháng 9/2014 đạt gần 30%, cá biệt có doanh nghiệp đạt trên 40%.

Đây là mức tăng trưởng phí mới được đánh giá là đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này không phản ánh tốc độ tăng trưởng của toàn thị trường.

Tăng trưởng không đồng nhất

Sự tăng trưởng mạnh của thị trường bảo hiểm nhân thọ, theo các chuyên gia trong ngành, là tất yếu, bởi Việt Nam là quốc gia đông dân nhất trong khu vực nhưng lại có tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thấp nhất, chỉ khoảng 5 – 6% dân số. Không chỉ năm 2014, mà cơ hội cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong dài hạn  được đánh giá là rất lớn.

Thực tế, sau một thời gian ngắn gặp khó khăn, sự hưng phấn của thị trường bảo hiểm nhân thọ đã được trở lại ngay từ những tháng đầu năm 2014, theo quy luật thời điểm này thị trường vẫn trong giai đoạn “ngủ đông”. Sự hưng phấn này kéo dài đến tận cuối năm, một số công ty bảo hiểm nhân thọ doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới đã làm lên những kỳ tích về tăng trưởng doanh thu. “Doanh thu khai thác mới trong quý III/2014 của công ty từng gây ấn tượng lớn với thị trường, nhưng quý cuối năm tốc độ tăng trưởng này còn cao hơn nhiều”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm hào hứng tiết lộ.

Lý giải về nguyên nhân thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới với nhiều tính năng thực tế và hấp dẫn. Ngoài ra việc đẩy mạnh tuyển dụng đại lý mới, các công ty bảo hiểm đẩy mạnh các chương trình thi đua và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đang tăng dần cũng là những yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường.

“Thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015 vì các hoạt động trên vẫn được các doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh”, vị lãnh đạo trên nhận định.

Số liệu ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 27.430 tỷ đồng, tăng 17,9%. Nếu so với mục tiêu đưa ra hồi đầu năm với hơn 26.000 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc, khối nhân thọ đã hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Không phủ nhận, năm 2014 tiếp tục là một năm thành công về doanh thu của khối bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chung này không phản ánh tốc độ tăng trưởng của từng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Bởi trong khi nhiều doanh nghiệp có tốc tăng trưởng vượt bậc thì cũng có doanh nghiệp có những tháng hoặc quý tăng trưởng doanh thu khai thác mới đứng yên, thậm chí là tăng trưởng âm. Tốc độ tăng trưởng cao của thị trường phần lớn vẫn do sự đóng góp của những doanh nghiệp thuộc nhóm đứng đầu.

 

Tỷ lệ người Việt Nam tham gia bảo hiểm mới chiếm 5-6% dân số 
Băn khoăn về chất lượng tăng trưởng

 

Có thể thấy, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Sự góp mặt của nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đã thúc đẩy thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Cũng không thể phủ nhận sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua có sự đóng góp lớn của nhiều sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm tiên tiến và người dân cũng đang cởi mở hơn trong việc bỏ tiền vào bảo hiểm. Tuy nhiên, trong thị trường vẫn còn có những nhận định khá cẩn trọng đối với tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới của nhiều công ty bảo hiểm, thậm chí là sự e ngại về tốc độ tăng trưởng này. 

“Vẫn còn đó nhiều biện pháp có thể coi là thủ thuật để một số công ty bảo hiểm nhân thọ đẩy doanh thu”, một chuyên gia trong ngành e ngại.

Thực tế, câu chuyện đẩy doanh thu, doanh thu ảo hay “game hợp đồng” không phải là câu chuyện mới của thị trường này, chính vì vậy những e ngại trên không phải là không có cơ sở. Phải thừa nhận thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có sự tăng trưởng sau một thời gian chững lại vì những tác động khách quan của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này có thực sự ổn định và kéo dài vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ câu trả lời. Vị Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm trên cũng thừa nhận, việc các công ty bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh các chương trình thi đua sẽ tạo động lực cho đại lý, song chất lượng bán hàng có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Cần sự đột phá trong nhận thức của người dân về bảo hiểm

Một vấn đề khác không mới mà các doanh nghiệp trong ngành nếu muốn thị trường thực sự khởi sắc và phát triển bền vững thì cần phải giải quyết, đó là nhận thức về việc mua bảo hiểm của người dân. Khảo sát mới nhất tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, số người có suy nghĩ phó thác cuộc đời mình cho sự may rủi vẫn chiếm tỷ lệ khá đông.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện có khoảng 6 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho sản phẩm bảo hiểm chính và 6 triệu hợp đồng bảo hiểm bổ trợ. Những hợp đồng này phần lớn được bán cho khách hàng tại các tỉnh, thành lớn. Các phân khúc thị trường khác hầu như còn bỏ ngỏ. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc 30% dân số sống ở thành thị, những người có thu nhập khá và ổn định. Những nông dân có trang trại trồng cây ăn trái hay nuôi trồng thủy hải sản cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm chú ý tiếp cận, nhưng chưa đồng đều và ổn định. Còn các phân khúc khách hàng khác như người có thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu mua bảo hiểm với mệnh giá và mức phí phù hợp gần như chưa được các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm.

Dù luôn được đánh giá là tiềm năng, nhưng thực tế để khai thác hết tiềm năng này vẫn luôn là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại thị trường này. Sau gần 2 thập kỷ mở cửa thị trường, bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn được đánh giá còn rất trẻ, người dân vẫn còn thiếu ý thức và nhận thức chưa tích cực về bảo hiểm tự nguyện. Đặc biệt nghề tư vấn bảo hiểm vì nhiều lý do cũng chưa được xã hội đánh giá công bằng, nên các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải khuyến khích họ tham gia và trở thành đại lý.

Nhìn sang Singapore, để nâng cao năng lực cạnh tranh, năm 2015, Chính phủ nước này dự tính điều chỉnh một số chính sách về bảo hiểm nhân thọ; trong đó, có hai chính sách rất thiết thực với khách hàng đó là: áp dụng một cổng mạng cung cấp thông tin sản phẩm/dịch vụ bảo hiểm cho cả thị trường, cho phép mọi người có thể truy cập thông tin về sản phẩm bảo hiểm của tất cả các công ty tham gia thị trường Singapore và dễ dàng so sánh giá cả và dịch vụ; và quy định áp dụng khái niệm “sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản” (là những sản phẩm mà các đặc tính sản phẩm đã được chuẩn mực/tiêu chuẩn hóa trong toàn ngành bảo hiểm, khách hàng có thể mua thông qua hệ thống bán hàng trực tiếp không cần tư vấn của đại lý). Vì vậy, công ty bảo hiểm nhân thọ giảm phí do không phải trả hoa hồng… Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì mỗi thị trường có đặc thù khác nhau và lịch sử phát triển cũng khác nhau.

Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm nói rằng, Việt Nam chưa có điều kiện để làm được như Singapore. Vì thị trường bảo hiểm Singapore đã phát triển trước Việt Nam rất lâu và để phát triển được như Singapore bây giờ, Việt Nam còn cả một chặng đường dài phía trước.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.