Bảo hiểm: Kiểm soát nội bộ-Bắt buộc hay không bắt buộc?

Mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện triệt để… là nhận xét chung dành cho hầu hết DN bảo hiểm trong hoạt động kiểm soát nội bộ.

Kiểm soát nội bộ: Bắt buộc hay không bắt buộc?

PVI là một trong những DN đã thành lập bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính

Không rõ ràng

Sau các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã thành lập bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Pjico, Bảo Long, Viễn Đông, AAA, Phú Hưng, PTI, Toàn Cầu…. Tuy nhiên, hoạt động của bộ máy kiểm tra, kiểm toán nội bộ tại từng doanh nghiệp có sự khác nhau (mô hình tổ chức, quy mô hoạt động); hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ tại từng doanh nghiệp cũng khác nhau.

Kết quả điều tra sơ bộ về khung kiểm soát nội bộ (KSNB) hiện nay tại 16 công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam, được tiến hành bởi Ernst & Young Việt Nam mới đây cho thấy, bên cạnh một vài dấu hiệu khả quan, vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.

“Chúng tôi nhận thấy, các công ty hầu hết đều có những văn bản miêu tả chức năng và trách nhiệm của phòng quản trị rủi ro, phòng KSNB, phòng kiểm toán nội bộ, nhưng nhiều văn bản này không thực sự rõ ràng hoặc không được thông tin đến các cổ đông, dẫn đến việc thiếu tính rõ ràng và minh bạch trong vai trò và trách nhiệm của từng phòng cụ thể trong tổng thể khung KSNB của tổ chức, cũng như trách nhiệm của từng phòng trong mối quan hệ và hợp tác với các phòng còn lại nhằm hướng đến mục tiêu chung của chức năng KSNB. Không có gì khó hiểu khi trong một số trường hợp, các phòng, ban này không hoạt động”, đại diện Enrst & Young Việt Nam nói.

Công tác kiểm tra, KSNB của các DN bảo hiểm cũng được ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết là còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện thường xuyên. Các quy trình nghiệp vụ tuy được xây dựng, song vẫn mang tính hình thức, chưa được triển khai thực hiện triệt để trong thực tiễn, dẫn đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của một số DN trong nước chưa chuyên nghiệp, bài bản.

Theo Ernst & Young Việt Nam, trong các DN bảo hiểm được điều tra, chỉ có 31% công ty có ủy ban kiểm toán và 19% công ty có ban kiểm soát (kiểm soát viên), với vai trò và trách nhiệm bao gồm giám sát kiểm toán nội bộ nói riêng và khung KSNB nói chung. Thêm vào đó, ở một số công ty, tính độc lập của ủy ban kiểm toán và kiểm toán nội bộ không được xem xét đầy đủ, khiến cho ủy ban kiểm toán và kiểm toán nội bộ vẫn báo cáo lên Ban điều hành. Điều này cản trở tính hiệu quả của vai trò và hoạt động trong việc cung cấp sự đảm bảo khách quan, trung thực của việc thực hiện KSNB của công ty.

Điểm khả quan thuộc về một trách nhiệm khác của HĐQT (HĐTV). Có 83% công ty bảo hiểm được điều tra, HĐQT (HĐTV) đã thực hiện đánh giá hàng năm Ban điều hành và các vị trí quản lý chủ chốt. Tuy nhiên, đánh giá này chủ yếu liên quan đến hoạt động tài chính, với ít bằng chứng thể hiện trong chương trình làm việc của HĐQT, bao gồm đánh giá trách nhiệm của ban quản lý trong hoạt động KSNB.

Chưa có hệ thống cảnh báo sớm

Điều đáng nói trong kết quả điều tra của Ernst & Young Việt Nam nêu trên là không có một công ty bảo hiểm nào có hệ thống cảnh báo sớm để nhận diện thông tin cảnh báo các rủi ro mới có thể ảnh hưởng lớn đến công ty, hoặc theo dõi các thay đổi rủi ro và báo cáo kịp thời các thất bại kiểm soát. Các công ty cũng không có danh mục rủi ro, trong đó liệt kê tất cả rủi ro ở tầm DN, rủi ro ở quy trình để đảm bảo không có rủi ro nào bị bỏ sót trong quá trình đánh giá. Tương tự, ngoài các thay đổi trong các chuẩn mực và quy định kế toán mà phòng tài chính – kế toán có trách nhiệm phải xác định và áp dụng, không nhiều công ty bảo hiểm có sẵn cơ chế kiểm soát như ủy ban quản lý tài sản/công nợ (ALCO) để dự báo, xác định và phản ứng với các thay đổi có ảnh hưởng đáng kể và rộng khắp đối với hoạt động của DN.

DN ngoại kiểm soát nội bộ tốt hơn  

Trong các công ty bảo hiểm được Ernst & Young Việt Nam điều tra, xét trên khía cạnh về hệ thống KSNB, các công ty nước ngoài phần lớn thực hiện tốt hơn các công ty không có sở hữu nước ngoài. Điều này là do nhận thức tốt hơn của các công ty về hệ thống KSNB quốc tế và thực tiễn tốt nhất về quản trị DN; việc áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro, các chính sách KSNB và các quy trình đã được thiết lập sẵn từ công ty mẹ; vai trò, trách nhiệm và nguồn nhân lực được xác định rõ ràng hơn trong các công ty sở hữu nước ngoài. Kết quả này phù hợp với báo cáo thẻ điểm quản trị công ty do IFC thực hiện, trong đó chỉ ra rằng, các công ty sở hữu nước ngoài có thực tiễn quản trị DN tốt hơn so với các công ty không có sở hữu nước ngoài.

Ngoài ra, đại diện Ernst & Young Việt Nam chia sẻ, trong các công ty được điều tra, Bảo Việt đang thực hiện một cách tương đối tốt hơn so với các công ty nội địa khác, điều này có thể là do có yếu tố cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia quản trị và điều hành.

Ông Nguyễn Sĩ Hùng

Trưởng ban Kiểm tra và Kiểm toán nội bộ, Tổng CTCP Bảo Minh

Để hoàn thiện công tác kiểm soát nội bộ, cần hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của doanh nghiệp và mục tiêu quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoạt động của bộ máy kiểm soát có hiệu quả cao thì cần thống nhất mô hình tổ chức hoạt động của bộ máy kiểm soát nội bộ.

Mô hình chuẩn, lý tưởng có thể là bộ máy kiểm soát nội bộ chịu sự quản lý và chỉ đạo của kiểm soát doanh nghiệp, còn mô hình áp dụng đối với những doanh nghiệp lớn có thể là bộ máy kiểm soát nội bộ chịu sự quản lý và chỉ đạo của HĐQT thông qua ủy ban kiểm toán thuộc HĐQT (mô hình thực tế mà các doanh nghiệp đang triển khai là: bộ máy kiểm soát nội bộ chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của tổng giám đốc doanh nghiệp).

 

Bà Phạm Thị Ngọc Thanh

Phó giám đốc Kiểm toán nội bộ, Công ty BHNT Dai-ichi Việt Nam

Để đáp ứng yêu cầu của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật liên quan, hầu hết DN bảo hiểm nhân thọ đều thành lập hệ thống KSNB. Tuy nhiên, do chưa có yêu cầu bắt buộc cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước nên việc tổ chức, vận hành, giám sát hệ thống này gần như là tùy thuộc vào từng DN. Tùy theo văn hóa công ty, yêu cầu của công ty mẹ hay nhu cầu thực tế phát sinh của DN mà hệ thống KSNB mỗi nơi mỗi khác, từ hình thức cho đến quy mô.

Để tuân thủ Luật Công ty được ban hành và có hiệu lực tại Nhật Bản, Công ty Dai-ichi Life Nhật Bản đã ban hành chính sách KSNB, bao gồm các nguyên tắc và phương pháp hoạt động cơ bản trong hệ thống KSNB. Các công ty con của Dai-ichi Life Nhật Bản đều tuân thủ theo các điểm cơ bản của chính sách KSNB trên khi thiết kế các chính sách KSNB cho riêng mình.

 

Ông Nguyễn Hồng Sơn

Trưởng ban Kiểm tra, kiếm soát nội bộ, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC)

Bộ Tài chính nên hướng dẫn cụ thể hơn cho các DN bảo hiểm về hoạt động KSNB và các quy định về bộ phận KSNB, bộ phận kiểm toán nội bộ (cần thống nhất tên gọi). Bộ Tài chính cũng nên ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy chuẩn cho kiểm toán viên nội bộ, những quy định pháp lý về hoạt động kiểm toán nội bộ.

Còn DN bảo hiểm cần chủ động xây dựng các quy trình nghiệp vụ phù hợp với quy mô hoạt động của DN; có quy trình đánh giá rủi ro và các thủ tục được thiết kế để ngăn ngừa rủi ro; tham gia các chương trình quản lý quy chuẩn như ISO.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo DTCK)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.