Báo ĐTCK số 111 đã thông tin về việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 63 đưa ra một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, có giải pháp doanh nghiệp sẽ được trích vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ quy định, tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện.
Đánh giá về giải pháp này, Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, Nghị quyết 63 của Chính phủ đã gỡ bỏ phần nào rào cản về thuế cho sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng như doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm này. Khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động được khấu trừ khi tính thuế TNDN dù có giá trị không lớn, chỉ tương đương một tháng lương/người, nhưng so với mức 1 triệu đồng theo quy định hiện hành là cả một bước tiến lớn.
Khó có thể khẳng định quy định mới này có sớm làm nóng lên phân khúc bảo hiểm hưu trí còn khá đìu hiu như hiện nay hay không, nhưng rõ ràng quy định này sẽ là động lực mới cho các doanh nghiệp đã triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện và các doanh nghiệp bảo hiểm khác đang chuẩn bị bước vào sân chơi này.
Hiện tại, ngoài PVI SunLife do đặc thù riêng nên ngay khi đưa bảo hiểm hưu trí ra thị trường đã có ngay hợp đồng nguyên tắc Chương trình Hưu trí PVI Sun Life cho cán bộ nhân viên CTCP PVI (PVI Holdings) và thỏa thuận hợp tác Chương trình Hưu trí PVI Sun Life giữa Chủ tịch HĐTV PVI Sun Life và Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, thì theo tìm hiểu của ĐTCK, Dai-ichi Life Việt Nam, công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên được phép triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã khai thác được gần 400 hợp đồng hưu trí doanh nghiệp và cá nhân. Gần đây nhất, Dai-ichi Life Việt Nam đã hoàn tất một hợp đồng hưu trí cho hơn 200 nhân viên của một doanh nghiệp Việt Nam.
Tất nhiên, việc triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện của hai doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ này không phải là tình hình chung của cả thị trường, nhưng có một điều có thể khẳng định là tại thị trường Việt Nam, nhu cầu về bảo hiểm hưu trí tự nguyện là khá lớn. Tuy nhiên, nhu cầu này lớn đến đâu còn phụ thuộc vào cách khai phá thị trường của doanh nghiệp bảo hiểm.
Tổng giám đốc AIA Việt Nam, ông Setephen Clark trước đó cũng đã nhận định rằng, thị trường bảo hiểm hưu trí, dựa trên dự đoán khiêm nhường có lẽ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 100% trong vòng 5 năm tới và phí bảo hiểm hàng năm có thể đạt tới 4.000 tỷ đồng vào năm 2018.
Thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện hiện vẫn đang trong quá trình chạy khởi động, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng vẫn đang nhìn nhau để triển khai.
Những khó khăn khi thâm nhập phân khúc còn khá sơ khai các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên triển khai sản phẩm này đã nhìn thấy, các cơ quan chức năng cũng đang cố gắng để chia sẻ khó khăn này bằng những chính sách thực tế hơn và Nghị quyết 63 về vấn đề thuế cho doanh nghiệp mua bảo hiểm cho nhân viên là một minh chứng.
Tất nhiên, thuế chỉ là một trong nhiều rào cản với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã kiến nghị sửa đổi và đã được sửa đổi một phần.
Các ưu đãi về thuế, có lợi cho cả cá nhân và doanh nghiệp đầu tư trong giai đoạn đầu triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, theo các chuyên gia trong ngành là mấu chốt rất quan trọng để bảo hiểm hưu trí tự nguyện đạt được sự tham gia đủ lớn
Hy vọng, khi những “nút thắt” còn lại như chính sách chi trả hoa hồng cho đại lý hay những yêu cầu về thiết kế sản phẩm… tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng nhìn thấy động lực để triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì “sân chơi” này sẽ nóng lên từng ngày.
Được biết, tuyên truyền về bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng là một trong những chương trình hành động từ nay đến cuối năm 2014 của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Chương trình này được đưa ra sau cuộc họp CEO nhân thọ năm 2014 diễn ra tại Nha Trang cuối tháng 7 vừa qua.
Bảo Hiểm Bảo Việt