(Tài chính) Thời gian qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, trong đó phải kể đến việc Bộ Tài chính ban hành hành lang pháp lý cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện chính thức đi vào cuộc sống, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mở rộng thị trường, phục vụ khách hàng toàn diện hơn nữa.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo Thông tư 115/2013/TT-BTC, trong tổng số 15 DNBH nhân thọ hiện nay trên thị trường thì có 5 DNBH được phép triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bao gồm: Bảo Việt Nhân Thọ, Prudential Việt Nam, Manulife, Daiichi Việt Nam và AIA. Đây đều là những DNBH đáp ứng các yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin, đại lý bán bảo hiểm. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng phải đáp ứng được các yêu cầu về tài chính chặt chẽ như có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng; biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu là 300 tỷ đồng và một số điều kiện khác…
Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), trước tình hình kinh tế khó khăn và mức lương hiện tại của đa số người lao động chưa thực sự cao, mức lương hưu được hưởng còn khá thấp thì việc ra đời sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ góp phần tăng thêm quyền lợi hưu trí cho người lao động khi về hưu. Sản phẩm này còn gia tăng sự bảo vệ cho người lao động ở những quyền lợi bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm y tế bổ sung khác, từ đó khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài thông qua hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, người tham gia bảo hiểm cũng nhận được rất nhiều ưu đãi khác như: cho phép người tham gia bảo hiểm được rút trước tài khoản bảo hiểm hưu trí trong trường hợp người được bảo hiểm bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành; người được bảo hiểm mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật… Ngoài ra, người tham gia bảo hiểm có quyền tự quyết việc tham gia bảo hiểm, thời gian bảo hiểm và mức hưởng lương hưu trí. Đồng thời, người được bảo hiểm cũng hoàn toàn an tâm hơn khi biết rằng những khoản tiết kiệm của mình vẫn luôn sinh lợi đều đặn hàng năm với mức lãi suất ghi nhận được công bố hàng tháng không thấp hơn mức lãi suất tối thiểu được đảm bảo.
Đặc biệt, khi tham gia chương trình hưu trí tự nguyện, cả DN và người lao động đều được hưởng chính sách ưu đãi thuế. Cụ thể, người sử dụng lao động không phải chịu thuế thu nhập cá nhân, còn thuế thu nhập doanh nghiệp được khấu trừ đến định mức. Người lao động được khấu trừ đến 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại một số nước trong khu vực, nhiều đối tượng vẫn phải chịu thuế đối với khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện. Chẳng hạn, tại Singapore, người sử dụng lao động vẫn chịu thuế cho khoản đóng góp; hay ở Malaysia, người lao động không được khấu trừ khoản đóng góp khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Đánh giá cao những lợi ích mà bảo hiểm hưu trí tự nguyện mang lại trên giác độ của cộng đồng DN, ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM khẳng định, về lợi ích lâu dài đối với các DN sử dụng lao động, đây là biện pháp thu hút nhân tài, giữ chân người lao động; còn với các DNBH, đây là thời cơ rất quan trọng để mở rộng kinh doanh, khẳng định vị thế trên thị trường. Do vậy, trong thời gian tới, các DNBH cần tuyên truyền rộng hơn để người lao động biết sản phẩm này. Trong khi đó, các DNBH cho rằng, sự thành công trong triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện không chỉ tùy thuộc vào sự cố gắng riêng của từng DNBH cung cấp sản phẩm mà còn ở sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan nhà nước, cơ quan đoàn thể khác, cùng sự hợp tác tích cực từ phía các DN và bản thân người lao động. Theo đó, các bên tham gia cần có chung mục đích, cùng hướng tới lợi ích của người lao động và mục tiêu an sinh xã hội của chương trình.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tapchitaichinh.vn)